Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá USD đã tăng cao hơn mức kỳ vọng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá USD thế giới liên tục đi lên trong các phiên giao dịch gần đây. Trong nước, tỷ giá trung tâm và giá USD ngân hàng cũng chưa dứt đà tăng. So với đầu năm, giá USD tăng 1.042 đồng, hiện đã tăng trên 4,2%, cao hơn mức kỳ vọng 3%.

Tỷ giá còn tăng tiếp

Sáng 24/10, tỷ giá trung tâm đồng Việt Nam với USD tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mức 24.250 VND/USD, tăng 10 VND.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá USD lên mức kịch trần, khi thêm 10 đồng so với ngày trước đó. Vietcombank mua USD với giá 25.203 - 25.233 đồng, bán ra 25.473 đồng. Giá mua USD tại Eximbank lên 25.170 - 25.200 đồng, bán ra 25.472 đồng… So với đầu tháng 10, giá USD tăng 712 đồng, tương ứng mức tăng thêm 2,87%.  Còn so với đầu năm, giá USD tăng 1.042 đồng, hiện đã tăng trên 4,2%, cao hơn mức kỳ vọng 3%.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay tăng mạnh ở cả 2 chiều mua - bán so với phiên trước đó. Tại thị trường Hà Nội, lúc 5h30', đồng USD giao dịch (mua - bán) ở mức 25.710 - 25.810 VND, tăng 193 VND ở chiều mua – 213 VND chiều bán so với ngày 23/10.

Sau khi hạ nhiệt vào tháng 8 và 9, tỷ giá USD/VND tăng trở lại khi bước vào quý IV. Trước nhiều phiên tỷ giá đi lên liên tiếp, từ ngày 18-21/10, NHNN đã chào bán tín phiếu trở lại sau gần 2 tháng tạm dừng với tổng cộng 33.950 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ giá ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.

Tỷ giá đang chịu tác động kép từ thế giới lẫn trong nước. Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 104,42 điểm – tăng 0,35%. Giá USD ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp khi một loạt dữ liệu kinh tế tích cực đã làm giảm kỳ vọng về quy mô và tốc độ cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên cao hơn.

Hiện các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11 sắp tới. "Nhìn chung, tỷ giá trong nước còn biến động vì áp lực quốc tế", ông Trần Thăng Long - Giám đốc Trung tâm Phân tích nghiên cứu chứng khoán BIDV (BSC) nói.

Trong nước, nhu cầu ngoại tệ thanh toán đã phát sinh thêm. Theo SSI, không chỉ nhu cầu nhập khẩu tăng mà cũng cần lưu ý khoản trái phiếu Chính phủ quốc tế đáo hạn trong quý này. Chỉ tính riêng tháng 10, Kho bạc Nhà nước đã có 4 đợt mua ngoại tệ với khối lượng 700 triệu USD. Giai đoạn nửa đầu quý IV, áp lực tỷ giá dự kiến vẫn duy trì do xu hướng hồi phục của DXY trước việc nền kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo, kết hợp động thái mua USD của Kho bạc (phục vụ nhu cầu chi tiêu, trả nợ Chính phủ) và nhu cầu nhập khẩu ở một số doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, tính mùa vụ do tháng 10  hàng năm nhu cầu mua USD để nhập khẩu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm cho dịp lễ Noel, Tết Dương lịch.

Tăng bộ đệm giảm sốc

Theo giới phân tích, đà tăng sẽ duy trì đến cuối tháng 10 và không loại trừ có thể trở lại ngưỡng cao được thiết lập vào quý II, tương ứng trên 25.400 đồng.

Trong kịch bản này, NHNN sẽ có động thái phát hành tín phiếu kết hợp nâng giá bán lên mức 25.450 (mức giá bán duy trì trong giai đoạn quý II, đầu quý III), thay vì bán ra dự trữ ngoại hối”- Công ty Chứng khoán KB Việt Nam phân tích.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia kỳ vọng đồng VND sớm ổn định so với USD trong thời gian tới và NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố hỗ trợ tỷ giá hạ nhiệt cuối năm đó là Fed dự kiến còn 2 lần hạ lãi suất trong tháng 11, tháng 12 và nguồn ngoại tệ cuối năm dồi dào đến từ kiều hối, giải ngân FDI và xuất siêu.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, "sóng" USD có thể duy trì trong tháng 10 và 11, qua tháng 12 sẽ ổn hơn. Tuy nhiên, việc tỷ giá chỉ tăng 3% trong năm như kế hoạch đề ra xem ra sẽ khó.

Dù kỳ vọng khả năng nguồn cung cuối năm nay sẽ giúp ổn định tỷ giá song ông Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá với nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, cần có "bộ đệm giảm sốc" đến mức tối đa với các thay đổi đó. “Để tỷ giá ổn định thì tỷ giá trung tâm phải ổn định trên cơ sở các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam như dòng vốn, tăng trưởng kinh tế, cán cân thanh toán, vốn đầu tư nước ngoài… bên cạnh USD Index. Đó chính là "bộ đệm giảm sốc” - ông Trương Văn Phước nhấn mạnh.