Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng 14/2: Thế giới hạ “nhiệt”, SJC vẫn tăng mạnh

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay (14/2), giá vàng thế giới hạ “nhiệt” sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Cùng với đó, giá nhiên liệu tại Anh và một số nước ở châu Âu vẫn tăng chưa có điểm dừng. Vàng SJC vẫn tăng giá mạnh.

Giá vàng SJC vẫn tăng, trong khi vàng thế giới giảm. Ảnh minh họa.
Giá vàng SJC vẫn tăng, trong khi vàng thế giới giảm. Ảnh minh họa.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới giao ngay đã có phiên tăng mạnh lên mốc 1.859 USD/ounce, tăng 33 USD/ounce so với chốt phiên trước đó. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, có lúc giá vàng thế giới đã lên đến mức 1.863 USD/ounce.

Lúc 8 giờ 15 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.857 USD/ounce, giảm nhẹ gần 2 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối tuần qua.

Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước ngược chiều thế giới, tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 62,05 – 62,75 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 62,05 – 62,77 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều tăng mạnh 150.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 61,9 – 62,7 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 100.000 đồng/lượng chiều mua vào, nhưng giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 62,15 – 62,75 triệu đồng/lượng, giữ giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 53,35 – 54,1 triệu đồng/lượng, giữ giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 750.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá (mua-bán) quanh mức 53,2 – 54 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới cuối tuần trước tăng mạnh là do Bộ Lao động Mỹ đã công bố chỉ số CPI tháng 1/2021 lên mức 7,5%, cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Sáng nay, giá vàng thế giới có giảm nhẹ, nhưng giới phân tích cho rằng, vàng vẫn chưa mất đi cơ hội bởi giá nhiên liệu tại Anh và một số nước châu Âu đang tăng liên tục chưa có điểm dừng. Nguyên nhân chính là nguồn cung bị hạn chế, bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Một số nước tại châu Âu đang cho thấy chỉ số lạm phát tăng cao, khi giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất tăng mạnh.

Do đó, chuyên gia nhận định, giá vàng chưa thể giảm sâu. Bởi, nhà đầu tư coi vàng là công cụ bảo quản tài sản khi lạm phát gia tăng và thị trường có nhiều biến động.

Một số chuyên gia cũng đã đặt ra vấn đề giá vàng bị ảnh hưởng khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao, và thị trường lao động tại Mỹ, châu Âu đang rất tích cực. Thị trường lao động tại châu Âu tháng 1 đã có rất nhiều khả quan, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay ở mức 7%.

Một số quốc gia như Ba Lan tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức trên 2%, mức này cho thấy bất cứ người nào tham gia vào thị trường lao động đều có việc làm, kể cả không có tay nghề.

Cho dù thị trường lao động tích cực và lợi suất trái phiếu cao, nhưng nếu lạm phát không được kiềm chế thì giá vàng vẫn còn tăng, hoặc ít nhất là giữ ở mức cao.