Cuộc chiến thương mại đẩy giá vàng thế giới tăng đột biến
Tuần qua đánh giá một tuần giá vàng thế giới tăng kỷ lục, với 7 phiên tăng liên tiếp tính từ cuối tuần trước. Đặc biệt, trừ phiên cuối tuần tăng nhẹ, còn lại các phiên trước đó giá vàng thế giới đều tăng từ trên 10 USD đến trên 30 USD/oz.
Tuần qua, làm “nóng” thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu là do Tống thống Mỹ dọa đánh thuế 300 tỷ USD lên hàng hóa của Trung Quốc; đáp trả lại Trung Quốc đã dùng đòn kép đánh vào Washington là chấm dứt mua nông sản của nông dân Mỹ và hạ giá đồng nhân dân tệ.
Giá vàng mở cửa tuần ngày 5/8 ở mức gần 1.445 USD/oz. Chỉ có 3 phiên sau đó đến ngày 8/8 giá vàng thế giới đã leo lên trên mốc 1.500 USD/oz, đỉnh cao nhất của 6 năm trở lại đây.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay ngày 10/8 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng ở mức trên 1.503 USD/oz, đi ngang so với chốt phiên trước. Có lúc giá vàng thế giới tại thị trường này giao dịch hạ xuống mức 1.496 USD/oz.
Mở cửa phiên sáng nay, lúc 8 giờ 30 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức 1.498 USD/oz, giảm 5 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tính chung trong tuần giá vàng thế giới đã tăng 54 USD/oz so với giá mở cửa. Nếu so với chốt phiên cuối tuần trước giá vàng thế giới tăng 60 USD/oz.
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đã ra đòn hiểm đối với Mỹ là không thu mua nông sản nhằm khiến cho Chính phủ của ông Trump lo ngại với nông sản không bán được. Tuy nhiên, Bắc Kinh hạ giá đồng nhân dân tệ, nó không chỉ khiến cho nông dân mà cả các DN khác của Mỹ đang xuất khẩu vào Trung Quốc đang phải gặp khó khi thu về giá trị thấp.
Ông Trump đang hối thúc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất đồng USD để lấy lại cân bằng đối với đồng tiền khác.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, không chỉ có Mỹ lo ngại không xuất khẩu được hàng hóa mà Trung Quốc cũng vướng vào vấn đề này khi thực hiện các đòn đáp trả thương mại.
Một số DN kinh doanh với đối tác Trung Quốc đang chưa dám ký tiếp các hợp đồng giao dịch thương mại, vì giá đồng nhân dân tệ thấp, khiến cho giá trị thu về thấp có thể gây lỗ.
Giá vàng trong nước biến động mạnh khi thị trường ảm đạm
Tuần qua, giá vàng trong nước cũng nhảy mua theo giá vàng thế giới. Thế nhưng ngược lại với biến động giá là sự im lặng của hoạt động giao dịch trên thị trường.
Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng SJC mới chạm mốc 40 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Cũng chỉ có 3 phiên liền sau đó giá vàng SJC đã chinh phục thành công mốc 42 triệu đồng/lượng. Mức tăng mỗi phiên từ trên 200.000 đến trên 700.000 đồng/lượng. Phiên ngày 8/8, khi giá vàng thị trường thế giới lên mốc 1.507 USD/oz thì vàng trong nước cũng có lúc gần chạm mốc 43 triệu đồng/lượng. Có đơn vị có lúc giao dịch ở mốc 42,8 triệu đồng/lượng.
Điều trái ngược với mức tăng giá chóng mặt, thì tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc lại vắng lặng người giao dịch.
Theo phân tích của một số DN, nhà đầu tư trong nước bất ngờ với sự tăng giá quá nhanh của vàng và họ chủ yếu chờ đợi sự ổn định giá để quyết định đầu tư hay bán ra chốt lời.
Ngày 7-8/8, đây là 2 ngày biến động giá mạnh nhất trong tuần thì các DN đã giãn chênh lệnh giữa 2 chiều mua và chiền bán lên đến 800.000 đồng/lượng, do lo ngại việc nhà đầu tư bán mạnh vàng khi giá lên cao. Tuy nhiên, trong cơn “sốt” giá thì thì trường lại ảm đạm khó tin.
Sáng nay, giá vàng trên thị trường cả nước đã đảo chiều giảm. Lúc 8 giờ 30 sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường tự do tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 41,5 - 41,9 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 41,5 - 41,92 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 150.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên hôm trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 350.000 - 370.000 đồng/lượng.
Tập đoàn Doji cùng thời điểm niêm yết giá mua - bán vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở quanh mức 41,5 – 41,8 triệu đồng/lượng, niêm yết giảm 120.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán giảm xuống còn 300.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở quanh mức 41,5 – 41,9 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 500.000 đồng/lượng.
Sáng nay, vàng nhẫn các DN niêm yết giảm giá so với chốt phiên trước. Cùng thời điểm trên, vàng nhẫn phú quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết mua - bán ở mức 41,4 – 41,9 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán 500.000 đồng/lượng.
Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam niêm yết giá vàng nhẫn VIETNAMGOLD mua - bán ở mức 41,4 – 41,9 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán ở mức 500.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn tròn trơn rồng thăng long được công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 41,51 – 42,06 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá cả 2 chiều mua và bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán ở mức 550.000 đồng/lượng.
Tính chung trong tuần vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 1,73 triệu đồng/lượng so với gái mở cửa tuần. Các DN cũng tăng 1,7 triệu đồng/lượng vàng SJC so với đầu tuần.
Những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ khiến cho nông dân, các DN hoạt động thương mại giữa 2 quốc gia chịu ảnh hưởng mà nó còn làm cho thị trường cổ phiếu ảm đạm, vốn hóa thị trường bốc hơn mạnh, chỉ riêng ngày 5/8 thị trường chứng khoán toàn cầu mất hơn 700 tỷ USD.
Nhận định của chuyên gia, với những gì 2 bên ra đòn với nhau, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn kéo dài. Dự báo nó còn dai dẳng đến năm 2020 khi Mỹ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống mới.
Mặc dù, giá vàng hôm nay đã hạ nhiệt do nhà đầu tư chốt lời, nhưng chuyên gia cũng như các tổ chức kinh tế đánh giá, giá vàng có thể leo lên mốc 1.600 USD/oz vào cuối năm nay do nhu cầu trú ẩn an toàn vốn. Năm 2011, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu giá vàng thế giới đã vượt mốc 1.900 USD/oz.