Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng đảo chiều vọt tăng, SJC lên đến 300.000 đồng/lượng

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (25/1), giá vàng thế giới đảo chiều vọt tăng. Thị trường nhận được thông tin dự báo kinh tế khu vực châu Âu có thể giảm mạnh trong tháng 1/2022 và nhiều tháng tiếp theo. Giá vàng SJC vọt cao lên trên ngưỡng 62 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng mạnh cả trong nước và quốc tế.
Giá vàng tăng mạnh cả trong nước và quốc tế.

Chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ đứng phiên ở mức hơn 1.842 USD/ounce, tăng hơn 8 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Đầu phiên sáng nay, trên thị trường châu Á, lúc 8 giờ 15 phút (giờ Hà Nội) giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.843 USD/ounce, tăng hơn 11 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước vọt tăng so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 35 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 61,75 – 62,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 61,75 – 62,42 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. So với mức giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng 500.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 650.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 61,7 – 62,35 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với mức giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 550.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 550.000 đồng/lượng.

Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 61,75 – 62,3 triệu đồng/lượng, tăng 230.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với mức giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 430.000 đồng/lượng vàng miếng. Chênh lệch mua - bán ở mức 550.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 53,4 – 54,1 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với mức giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 550.000 đồng/lượng và nhẫn. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá (mua-bán) quanh mức 53,4 – 54,07 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với mức giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 700.000 đồng/lượng vàng nhẫn. Chênh lệch mua - bán là 670.000 triệu đồng/lượng.

Theo khảo sát của tờ Financial Times với các chuyên gia, dịch Covid-19 và lạm phát là yếu tố rủi ro đáng quan tâm nhất đối với triển vọng phục hồi và tăng trưởng của 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro. Tỷ lệ lạm phát tại châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất trong 25 năm qua tại khu vực này.

Một số nước đã có 2 con số về tỷ lệ lạm phát là Baltic, Estonia với 12%, Lithuania với 10,7%, Tây Ban Nha tỷ lệ lạm phát cũng lên cao kỷ lục với 6,7%, sau đó là Đức mức lạm phát cũng cao hơn mức bình quân chung 5%.

Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực kinh tế châu Âu tuy đã giảm nhẹ từ mức 7,3% của tháng 10 xuống còn 7,2 % trong tháng 11/2021. Tuy nhiên, đây vẫn là mức khá cao khi mà dịch bệnh vẫn còn gia tăng mạnh.

Chuyên gia nhận định, mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn cho rằng mức lạm phát này là nhất thời và giữ nguyên lãi suất thấp để hỗ trợ các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Bởi lạm phát tại châu Âu tăng không phải do thiếu nguồn nhập khẩu hàng hóa mà sản xuất đang gặp khó khi nguyên, nhiên liệu đầu vàng đang bị thiếu hụt, giá đầu vào tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo.

Theo chuyên gia, nếu lạm phát còn tăng cao, dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhưng có thể ECB sẽ nghĩ đến giải pháp thắt chặt tiền tệ nhằm hạn chế lạm phát. Nếu ECB thắt hặt tiền tệ, có thể sẽ khiến nhiều DN mất cơ hội vay được vốn giá rẻ để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Như vậy, người lao động cũng sẽ bị mất việc làm khi sản xuất bị hạn chế.

Chuyên gia dự báo, nếu khu vực kinh tế châu Âu không tìm giải pháp đồng bộ thì kinh tế có thể bước vào thời kỳ suy giảm do lạm phát. Đây chính là nguyên nhân khiến giá vàng đảo chiều tăng mạnh.