Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng giảm nhanh, người dân xếp hàng mua vàng tại ngân hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/6, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đồng loạt công bố giá bán vàng miếng 79,98 triệu đồng/lượng. Rất đông người dân đã đến các điểm bán vàng để xếp hàng lấy số, chờ đến lượt.

Trong ngày đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng cho 4 NHTM Nhà nước và Công ty SJC để những đơn vị này bán vàng trực tiếp cho người dân, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm sâu.

Thị trường vàng đồng loạt giảm dưới 80 triệu/lượng

15 giờ ngày (3/6), VietinBank thông báo, giá vàng miếng SJC bán ra cho khách hàng là 79,98 triệu đồng/lượng. Mức giá này được bán đồng giá tại 4 NHTM Nhà nước trong danh sách chỉ định của NHNN. Tương tự, khoảng 14 giờ 30 phút, trang web của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC điều chỉnh giá mua vàng miếng 77,98 triệu đồng/lượng và bán ra 79,98 triệu đồng. Như vậy, so với giá mà NHNN công bố bán ra cho 4 NHTM Nhà nước (78,98 triệu đồng/lượng), giá bán ra của VietinBank hay SJC đang cao hơn 1 triệu đồng/lượng.

Người dân xếp hàng dài mua vàng miếng từ Vietinbank.
Người dân xếp hàng dài mua vàng miếng từ Vietinbank.

Tại các doanh nghiệp không được mua vàng trực tiếp từ NHNN, giá vàng miếng niêm yết cũng giảm mạnh. Tập đoàn Doji mua vào 77,85 triệu đồng/lượng, bán ra 79,75 triệu đồng/lượng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 78 triệu đồng/lượng, bán ra 79,98 triệu đồng/lượng… Mức giá này đã giảm 2 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Như vậy tính từ đầu tuần trước đến nay, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh gần 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước giảm cùng chiều với giá thế giới. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới xuống còn 2.325,72 USD/ounce, giảm 1,12 USD so với đầu ngày. Xu hướng giá vàng thế giới đã giảm trong 2 tuần qua, giảm 15,9 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng trong nước đã giảm sâu hơn rất nhiều so với thế giới. Nhờ đó, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới đã rút ngắn về còn 8,5 triệu đồng/lượng, giảm mạnh từ mức 18 triệu đồng/lượng vào tuần trước.

Người dân chờ mua vàng tại Vietcombank 11 Láng Hạ.

Người dân chờ mua vàng tại Vietcombank 11 Láng Hạ.

Giải pháp bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua 5 đơn vị được chỉ định của NHNN đã giáng đòn mạnh mẽ vào giới đầu cơ, kéo giá vàng giảm nhanh.

NHNN thông báo giá vàng ngày 3/6 bán trực tiếp cho 4 NHTM Nhà nước và Công ty SJC là 78,98 triệu đồng/lượng.

Có 37 điểm bán vàng miếng SJC thuộc chi nhánh của 4 NHTM Nhà nước và Công ty SJC cho người dân để bình ổn thị trường. Trong đó, Vietcombank bán vàng tại 6 điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; VietinBank triển khai bán tại hệ thống cửa hàng VietinBank Gold & Jewellery với 2 địa điểm ở Hà Nội và 1 điểm TP Hồ Chí Minh; Agribank bán tại 4 điểm giao dịch ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; BIDV bán tại 3 chi nhánh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Công ty SJC bán tại 20 điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Huế, Quảng Ngãi, Biên Hòa - Đồng Nai, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau.

Trên các website Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Công ty SJC đã công bố địa điểm, thời gian bán vàng miếng. Về thời gian, các ngân hàng bán vàng bắt đầu từ 14 giờ 30. Còn từ ngày mai 4/6, các ngân hàng này sẽ bán vàng bình ổn từ 9 giờ.

Ghi nhận cho thấy, trong chiều 3/6, rất đông người dân đã đến các điểm bán vàng để xếp hàng lấy số, chờ đến lượt khi giá vàng giảm mạnh. Các ngân hàng phải bố trí thêm ghế ngồi để phục vụ khách hàng ngồi chờ. Đại diện Agribank cho hay, nhập vàng về kho vào cuối giờ sáng nay, do là ngày đầu tiên nên sự phối hợp giữa các bộ phận còn đôi chút lúng túng. Nếu nhu cầu của người dân cao thì từ ngày mai, ngân hàng sẽ tăng lượng nhập vàng từ NHNN. Trước mắt, Agribank chỉ bán hạn chế từ 1-2 lượng vàng cho mỗi khách hàng.

Còn tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, bên cạnh khách mua vàng khá đông cũng có một số người đi bán vàng cắt lỗ. Ông Lê Thắng ở (Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở, ước tính thiệt hại hơn 10 triệu đồng sau gần 1 tháng mua vào vì giá mua là gần 90 triệu đồng/lượng.

Cân đối nguồn cung hợp lý

Đại diện NHNN cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới.

Điểm bán vàng của BIDV đông kín khách.
Điểm bán vàng của BIDV đông kín khách.

Đánh giá về động thái trên của NHNN, chuyên gia tài chính TS Cấn Văn Lực cho rằng, đây là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm thực hiện tốt định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên 3 phương diện:

Thứ nhất, nguồn cung vàng miếng được tăng lên một cách cụ thể, trực tiếp (do không bị găm giữ hay đầu cơ), đến thẳng tay người tiêu dùng. Thứ hai,  bảo đảm giá hợp lý hơn trên cơ sở NHNN căn cứ vào giá vàng thế giới cộng thêm các khoản chi phí cần thiết, qua đó góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Thứ ba, bảo đảm  tính công khai, minh bạch hơn khi các thông tin mua - bán vàng được công khai, giao dịch mua bán vàng có hóa đơn điện tử...

Theo ông Lực, cách làm này có thể tận dụng mạng lưới chi nhánh của các NHTM lớn. “Việc này cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng găm hàng, buôn lậu, trục lợi chính sách...”- TS Cấn Văn Lực đánh giá.

Phó GS.TS Ngô Trí Long nhận xét, nếu NHNN bán vàng ở mức thấp và thực sự sát với thế giới thì sẽ tạo nên một "cú sốc" trên thị trường. Khi đó, có khả năng người mua sẽ đổ xô đến 4 NHTM để mua vàng. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ kéo giá vàng miếng nói chung tại các công ty kinh doanh vàng lao dốc vì không thể nào tồn tại được tình trạng vênh nhau đến vài triệu đồng/lượng.

Ông Long cũng cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới là mất cân đối cung - cầu. Do vậy, vẫn cần phải giải quyết câu chuyện về nguồn cung một cách hợp lý, thông qua cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu một lượng vàng nhất định về bổ sung cho thị trường.

Theo ông Long, việc NHNN bán vàng trực tiếp cho 4 NHTM Nhà nước để đưa vàng ra thị trường vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn, cần sửa đổi nhanh Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong đó, cần sửa theo hướng bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, cho phép các DN đủ điều kiện nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cũng như vàng nữ trang. NHNN chỉ nên giữ vai trò quản lý. Ngoài ra, ông Long cho rằng, về lâu dài NHNN có thể nghiên cứu cho phép các hình thức đa dạng hơn để thị trường giao dịch như chứng chỉ vàng…

Về vấn đề này, ông Trương Văn Phước - nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích: việc dùng ngoại tệ để mua vàng trên thế giới là cần thiết. Vấn đề là cân đối nhiều bài toán trong đó có việc cân đối ngoại tệ phục vụ cho các nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng trong nền kinh tế, kể cả phục vụ sản xuất hay hàng hóa tiêu dùng.

Nhà nước hoàn toàn có thể mua vàng từ người dân và xuất khẩu lượng vàng đó nhằm thu lại ngoại tệ. Dùng ngoại tệ để mua vàng thì lượng ngoại tệ đó không hề mất đi, nó chỉ hoán đổi hình thái từ ngoại tệ qua vàng. Dù vậy, về dài hạn, theo ông Phước, để quản lý thị trường vàng hiệu quả phải xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Ở đó, thị trường được tiếp nhận các công cụ, các dịch vụ theo quy luật cung cầu và rời xa dần tập quán mua bán vàng dưới dạng vật chất.

Một thị trường với các chứng chỉ vàng, các giao dịch vàng tài khoản... sẽ cho thấy các tiện ích vượt trội so với vàng vật chất mà người dân tiếp nhận. Cho nên, theo ông Phước, cần phải chỉnh sửa ngay Nghị định 24/2012/NĐ-CP để có một khuôn khổ pháp lý hội nhập quốc tế sâu hơn, để có một thị trường chuyên nghiệp hơn.