Thế giới vẫn còn áp lực
Sáng nay, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.919 USD/ounce, tăng 12 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp.
Trước đó, chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.919 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với chốt phiên trước đó tại thị trường này.
Ngày 30/6, khu vực kinh tế châu Âu đã công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại khu vực này tháng 6 giảm mạnh xuống còn 5,5%, thấp nhất kể từ tháng 1/2022 trở lại đây. Chỉ số này thấp hơn mức 6,1% của tháng 5 và mức dự báo trước đó là 5,6%.
Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực châu Âu cũng đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay 6,1%, và nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia vẫn đăng thông báo tuyển dụng lao động.
Ngày 29/6, nền kinh tế Mỹ công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 lần thứ 3 tăng 2%, cao hơn báo cáo 2 lần trước là 1,1% và 1,3% và cũng cao hơn dự báo là 1,3%.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua tại Mỹ cũng giảm mạnh từ 265.000 đơn của tuần trước đó về mức 235.000 đơn, và thấp hơn mức 266.000 dự báo. Như vậy, với các số liệu kể trên cho thấy các nền kinh tế lớn là châu Âu và Mỹ vẫn đang phục hồi tích cực.
Thông thường, kinh tế tích cực thì vàng giảm giá. Tuy nhiên, lần này giá vàng đã đi ngược xu hướng thị trường. Nguyên nhân chính là do căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine, khi hàng loạt quốc gia mới đây đã bổ sung vũ khí cho Ukraine.
Cùng với đó, Liên minh châu Âu (EU) đang tính toán khả năng đánh thuế lãi suất đối với tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị đóng băng ở châu Âu. EU dự kiến thu về khoảng 3 tỷ EURO mỗi năm và số tiền này sẽ dùng để hỗ trợ tái thiết Ukraine.
Đồng ruble của Nga trong ngày hôm qua (30/6) đã giảm mạnh so với đồng USD sau hàng loạt bất ổn vừa qua, về mức thấp nhất trong hơn 15 tháng.
Đồng USD cũng lao dốc trong giỏ thanh toán quốc tế. Chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt giảm mạnh hơn 0,41% so với phiên trước, về mức 102.920 điểm, vào lúc 8 giờ 50 phút sáng nay (giờ Hà Nội).
Bất ổn vẫn còn dai dẳng và các đồng tiền giảm sâu cũng là cơ hội để giới đầu tư quay lại mua vàng. Do giá vàng thế giới giảm sâu trước đó, giới đầu tư cũng kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận. Tuần qua, giá vàng thế giới giảm 8 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo, giá vàng có thể quay đầu giảm bất kỳ khi nào. Bởi thị trường đang có khá nhiều thông tin kinh tế tích cực. Ngày 7/7, Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 6. Nếu số liệu việc làm tích cực thì chắc chắn ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất đồng USD. Điều này gây áp lực mạnh lên giá vàng.
SJC khó đoán
Giá vàng SJC tại thị trường tự do sáng nay tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,35 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,35 – 67,07 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều đi ngang chiều mua và tăng mạnh 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 750.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,4 – 67 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 66,37 – 66,95 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 510.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua đơn vị này giảm mạnh đến 130.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn sáng nay tăng so với phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết (mua - bán) ở mức 55,48 – 56,33 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 600.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 54,4 – 55,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 1,3 triệu đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng SJC trong nước có đến 3 phiên đi ngược xu hướng thế giới. Tuy nhiên, mức điều chỉnh hẹp và cuối tuần chỉ tăng chiều bán, do đó đã kéo giãn chênh lệch 2 chiều mua – bán.
Kết tuần, giá vàng SJC phổ biến trên thị trường và doanh nghiệp chiều mua vào giảm 100.000 đồng, và chiều bán giảm 50.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Với các diễn biến của giá vàng SJC hiện tại, nhiều nhà đầu tư cho rằng khó đoán định hướng đi của tuần tới.