Sáng nay, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng gần 1.921 USD/ounce, tăng hơn 1 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trước đó, chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.921 USD/ounce, tăng 2 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng trên thị trường sáng nay đảo chiều giảm so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,15 – 68,85 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 68,15 – 68,87 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, giao dịch trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 68,1 – 68,9 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 68,25 – 68,88 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 100.000 đồng/lượng vàng SJC.
Giá vàng nhẫn sáng nay đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng được Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng phiên trước (mua - bán) ở mức 56,46 – 57,31 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 850.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 110.000 đồng/lượng vàng nhẫn.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội giao dịch quanh mức 56,2 – 57,2 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 900.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 120.000 đồng/lượng vàng nhẫn.
Giá vàng thế giới chỉ nhích nhẹ trong phiên đêm qua và rạng sáng nay khi thị trường đang chờ đợi thông tin lạm phát (CPI) tháng 8 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai 13/9.Mặc dù, Ủy ban châu Âu (EC) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực Eurozone nói riêng và châu Âu nói chung nhưng vàng không được nhà đầu tư chú ý.
Theo đó, dự báo của cơ quan này đưa ra cho biết tăng trưởng kinh tế Khu vực Eurozone năm 2023 sẽ giảm từ 1,1% dự báo hồi tháng Năm xuống còn 0,8%. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức năm 2023 sẽ giảm 0,4%, giảm mạnh hơn so với mức dự báo 0,2% trước đó. EC cùng cho biết, năm 2024 tăng trưởng kinh tế của 20 nước thành viên Eurozone sẽ ở mức 1,3%, giảm so mức dự báo trước đó là 1,6%.
Thông thường, khi dự báo tăng trưởng kinh tế kém sẽ khiến vàng bật tăng mạnh, bởi nhà đầu tư mua vào đề phòng rủi ro. Tuy nhiên, lần này lại khác, giới đầu tư đang chờ đợi thông tin lạm phát của Mỹ được công bố vào ngày mai 13/9.
Theo như dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Mỹ sẽ tăng từ 3,2% tháng 7 lên 3,6%. Với một loạt các dữ liệu kinh tế, việc làm công bố trước đó, thị trường đang dấy lên lo ngại Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt thêm chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.
Quỹ ủy thác vàng lớn nhất thế giới (SPDR) trong 5 phiên gần đây nhất không có phiên nào mua vào, mà có tới 3 phiên bán ròng. Phiên ngày 11/9 quỹ này bán ròng 1,75 tấn vàng. Tổng 3 phiên bán ròng của SPDR lên tới trên 6 tấn vàng.
Nhận định của chuyên gia, giá vàng vẫn còn đang chịu áp lực lớn khi thị trường dự đoán Fed chưa ngừng tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm nay. Mặc khác, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn ở trên mức 4% với kỳ hạn 10 năm thì tài sản chỉ mang tính dự trữ vốn như vàng sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư.