70 năm giải phóng Thủ đô

Giá vàng hôm nay 14/10: Tăng mạnh

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay (14/10), giá vàng thế giới đảo chiều tăng vọt so với phiên trước. G20 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu gặp khó khăn; còn IMF dự báo nợ toàn cầu tăng cao đã đẩy giá vàng tăng vọt.

Giá vàng thế giới tăng vọt. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới tăng vọt. Ảnh minh họa.

Sáng nay, lúc 6 giờ 10 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng gần 1.932 USD/ounce, tăng vọt 63 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), tại thị trường Mỹ, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.932 USD/ounce, tăng vọt 62 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó.

Kết thúc phiên ngày 13/10, giá vàng SJC trên thị trường đã quay đầu giảm so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng SJC trên thị trường TP Hồ Chí Minh đứng quanh mức 69,5 – 70,2 triệu đồng/lượng (mua – bán).

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 69,5 – 70,22 triệu đồng/lượng (mua – bán). Các thị trường trên trong phiên hôm qua đều giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, đứng giá trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 69,35 – 70,2 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 69,52 – 70,33 triệu đồng/lượng giảm 160.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 810.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng phiên ở mức 56,72 – 57,62 triệu đồng/lượng (mua - bán), đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán giảm là 900.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 56,55 – 57,45 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 900.000 đồng/lượng.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 13/10 cho biết: Các xung đột địa chính trị đang ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong thảo luận, dù đại diện các quốc gia G20 đã đưa ra nhận định, rằng: Nền kinh tế toàn cầu cho thấy sức đề kháng tốt trong những cuộc xung đột địa chính trị gần đây.

Tuy nhiên, các ý kiến không khỏi quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn tăng trưởng không đồng đều, nhiều quốc gia vẫn cho thấy sự ảm đạm.G20 đánh giá, bên cạnh lạm phát, lãi suất tăng cao kinh tế toàn cầu đang chịu tác động từ sự gia tăng của giá nguyên, nhiên liệu tăng bởi xung đột leo thang. Cùng với đó là sự suy yếu của nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cùng với đó, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), mới đây cho biết nợ toàn cầu tăng cao. Cụ thể, năm 2022, nợ toàn cầu đang ở mức 235.000 tỷ USD, tương đương 238% GDP của toàn cầu.

Mặc dù thấp hơn nhiều so với thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, nhưng mức nợ toàn cầu đang tăng nhanh khi tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến thâm hụt ngân sách gia tăng, còn lãi suất vẫn đang được đẩy lên cao.

Sau cuộc xung đột tại Dải GaZa và dự báo rủi ro toàn cầu tăng cao thì các quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh mua vàng, nhằm chuyển dự trữ ngoại hối bằng kim loại quý. Cùng với đó, giới đầu tư đã giảm bớt tài sản dễ rủi ro là cổ phiếu chuyển sang nắm giữ vàng để bảo toàn nguồn vốn.