Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 14/7: Số liệu lạm phát tăng mạnh so với kỳ vọng, nhà đầu tư giữ vàng

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (14/7), giá vàng thế giới tăng khi số liệu lạm phát tại Mỹ tăng mạnh hơn mức kỳ vọng. Mặc dù, đồng USD tiếp tục tăng khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhưng nhà đầu tư quyết nắm giữ vàng nhằm hạn chế rủi ro cho dòng vốn.

 Giá vàng tăng khi lạm phát tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Chốt phiên tại thị trường Mỹ vào đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng ở mức trên 1.807 USD/ounce, nhích nhẹ 1 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức trên 1.810 USD/ounce, cũng tăng nhẹ hơn 2 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường trong nước cũng tăng so với chốt phiên hôm qua. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,65 – 57,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,65 – 57,42 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 750.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,75 – 57,3 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 550.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,85 – 57,3 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 460.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51,35 – 52,05 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 51,3 – 52,1 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Ngày 13/7, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 đã tăng 0,9% so với tháng 5 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008 trở lại đây, cao hơn nhiều mức dự báo trước đó 4,9%.
Mặc dù, đồng USD được hưởng lợi từ thông tin này, với chỉ số Dollar-Inde, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đã tăng mạnh 0,58% lên 92,790 điểm vào đầu phiên sáng nay. Nhưng thông thường, đồng bạc xanh tăng mạnh, tỷ lệ lạm phát tăng nhà đầu tư sẽ bán tháo vàng để nắm giữ tiền. Tuy nhiên, lần này lại khác, giới đầu tư đã “soi” những chỉ số làm cho CPI tăng để nắm giữ vàng nhiều hơn.
Cụ thể, ngoài giá ô tô tăng mạnh so thiếu chíp điện tử bởi nguồn cung bị đứt gãy do dịch bệnh thì giá năng lượng trong đó có giá xăng tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 2,5% so với tháng 5. Giá thực phẩm cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,9% so với tháng trước. Khi loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng là những mặt hàng dễ biến động thì CPI lõi trong tháng 6 của Mỹ đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1991.
Chỉ số CPI lõi chính là yếu tố để Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đánh giá mức độ phục hồi của nền kinh tế, ảnh hưởng của các chính sách tài chính, tiền tệ đối với sự tăng trưởng này. Từ đó Fed sẽ đưa ra quyết định thắt chặt tiền tệ.
Tuy vậy, nhưng giới đầu tư cho rằng, trước khi chờ quyết định của Fed thì họ vẫn nắm giữ vàng nhằm phường ngừa rủi ro cho dòng vốn. Bởi chỉ số CPI lõi đã tăng quá mạnh, cao gấp hơn 2 lần chỉ số mục tiêu là 2%, điều này cho thấy đồng USD đang bị trượt giá so với các hàng hóa khác. Do vậy vàng vẫn đang là tâm điểm của thị trường khi rủi ro tăng cao. Hiện nay, giới đầu tư đang chờ đợi thông tin từ Fed qua phiên điều trần của Chủ tịch cơ quan này trước Quốc hội Mỹ, để tìm xu hướng cho thị trường vàng.