70 năm giải phóng Thủ đô

Giá vàng hôm nay 15/10: Vọt tăng mạnh, SJC vượt ngưỡng 71 triệu đồng

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng thế giới trong tuần qua tăng mạnh, lấy lại mốc 1.900 USD/ounce. Thị trường tuần qua chứng kiến cuộc giao tranh căng thẳng tại Dải GaZa; đồng thời hàng loạt các thông tin kinh tế kém khả quan khiến giá vàng tăng vọt.

Thế giới tăng vọt

Kết thúc tuần, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng gần 1.932 USD/ounce. Chỉ riêng phiên cuối tuần, giá vàng thế giới đã tăng vọt 63 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó.

Tuần qua, giá vàng thế giới được hỗ trợ từ cuộc xung đột gia tăng tại Dải GaZa giữa quân đội Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine. Cùng với đó, trong tuần cả Quỹ tiền tệ Quốc tế và tổ chức Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều nhận định nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi lạm phát, lãi suất, giá nguyên nhiên liệu tăng cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Giá vàng thế giới tăng mạnh. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Nhiều mảng xám của nền kinh tế toàn cầu đang bộc lộ khi phải hứng chịu thêm cuộc xung đột gia tăng ở Trung Đông. Nộ kinh tế toàn cầu gia tăng, khiến cho các nền kinh tế càng khó khăn trong thúc đẩy tăng trưởng gia tăng.

Trong khi nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc được dự báo vẫn còn suy yếu, chưa có tín hiệu phục hồi mặc dù quốc gia này đã có nhiều nỗ lực để cải thiện tăng trưởng thì nền kinh tế số một thế giới là Mỹ có chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng trở lại so với tháng 8 là 0,5%. Điều này sẽ thúc đẩy Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm vào cuộc họp đầu tháng 11 này để kiềm chế lạm phát.

Với những yếu tố rủi ro tăng cao, giá vàng thế giới trong tuần đã có 5 phiên tăng, chỉ có 1 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá vàng thế giới đã tăng 83 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.

Vàng trong nước đu theo thế giới

Tuần qua, giá vàng trong nước đu theo giá vàng thế giới với 5 phiên tăng giá và 1 phiên giảm. Kết thúc phiên ngày 14/10, giá vàng SJC trên thị trường đã tăng mạnh so với phiên trước đó.

Cụ thể, giá vàng SJC trên thị trường TP Hồ Chí Minh đứng quanh mức 69,7 – 70,7 triệu đồng/lượng (mua – bán).

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 69,7 – 70,72 triệu đồng/lượng (mua – bán). Các thị trường trên trong phiên hôm qua đều tăng mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng mạnh 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán tăng từ mức 700.000 đồng lên 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, đứng giá trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 69,6 – 71 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng mạnh 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán tăng từ 850.000 đồng lên 1,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 69,75 – 70,68 triệu đồng/lượng tăng 230.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 350.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 930.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng phiên ở mức 57,08 – 58,03 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng mạnh 360.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng mạnh 410.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán giảm là 950.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 57 – 57,9 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 900.000 đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng thế giới đi theo xu hướng thế giới, với 5 phiên tăng mạnh. Vàng SJC trên thị trường đã tăng 1,38 triệu đồng trong tuần. Vàng SJC tại Doji tăng 1,75 triệu đồng/lượng và SJC tại Bảo Tín Minh Châu tăng 1,46 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Chuyên gia nhận định, giá vàng tuần qua tăng là do giới đầu tư đẩy mạnh mua vào bởi lo ngại rủi ro gia tăng ảnh hưởng đến dòng tiền. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo, rằng nhà đầu tư nên thận trọng khi quá mua kim loại quý. Bởi lạm phát tại Mỹ tăng cao sẽ khiến Fed chưa thể dừng tăng lãi suất. Khi lãi suất lên cao thì hỗ trợ đồng USD, gây áp lực mạnh lên giá vàng.