Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 18/6: tiếp tục giảm sâu

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay (18/6), thị trường quốc tế tiếp tục giảm sau khi kỳ vọng lạm phát tháng 6 của Mỹ tăng trở lại. Thị trường trong nước chỉ có vàng nhẫn tăng, SJC vẫn đứng giá.

Giá vàng nhẫn tăng. Ảnh minh họa.
Giá vàng nhẫn tăng. Ảnh minh họa.

Sáng nay, Giá vàng thế giới giao ngay trên thị trường châu Á lúc 5 giờ 52 phút (giờ Hà Nội), giao dịch quanh ngưỡng trên 2.320 USD/ounce, giảm hơn 6 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh ngưỡng trên 2.320 USD/ounce, giảm 11 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó tại thị trường này.

Thị trường trong nước chốt phiên hôm qua (17/6), giá vàng miếng SJC tiếp tục đi ngang so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán ở quanh mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 75,5 – 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,48 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn phiên 17/6, bật tăng mạnh so với phiên trước. Cụ thể, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 74,28 – 75,58 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 400.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,3 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 74,3 – 75,55 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 250.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới giảm khi kỳ vọng lạm phát tháng 6 bất ngờ tăng trở lại. Cụ thể, Đại học Michigan đã khảo sát và đưa ra số kỳ vọng lạm phát tháng 6 tại Mỹ tăng lên 3,3%, bằng với tháng 5 và cao hơn mức dự báo 3,2%.

Cùng với đó, chỉ số giá xuất khẩu từ mức giảm 0,1% lên mức tăng lên 0,6%. Chỉ số giá nhập khẩu đi ngang ở mức tăng 1,1%.Chuyên gia nhận định, với những mức dự báo kỳ vọng lạm phát và giá xuất khẩu tăng, có nghĩa là giá bán hàng từ những nhà máy của Mỹ tiếp tục tăng cao. Điều này đã khiến thị trường lo ngại rằng, lạm phát trong thời gian tới của Mỹ khó giảm như kỳ vọng.

Như vậy, thì Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng sẽ còn lùi thời gian hạ lãi suất, có thể không ở cuối năm nay mà sang đầu năm sau. Lãi suất còn giữ lâu thì sẽ còn gây áp lực lên giá vàng.

Cùng với đó, nền kinh tế Trung Quốc vừa công bố ngày 17/6, cho biết doanh số bán lẻ tháng 5 tăng 3,7% so với cùng kỳ và trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái – đây là chỉ số chính phản ánh sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Giá trị sản lượng công nghiệp gia tăng của Trung Quốc trong tháng 5 cũng tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các lĩnh vực tăng cao là thiết bị tăng 7,5% và công nghệ tăng 10%.

Chuyên gia nhận định, cả sức mua của mội địa, cũng như giá trị sản xuất công nghiệp tăng cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phục hồi tốt. Điều này sẽ kéo theo các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới cùng tăng trưởng.

Hoạt động kinh tế tích cực sẽ làm giảm rủi ro trên thị trường và cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng sẽ được các nhà đầu tư chú ý mua vào, giảm lượng vốn tại các tài sản dự trữ vốn là vàng.