Lúc 6 giờ 15 phút sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh ngưỡng 2.040 USD/ounce, tăng mạnh 13 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước.
Giá vàng giao theo hợp đồng tháng 2/2024 cùng thời điểm trên giao dịch quanh mức 2.053 USD/ounce, cũng tăng mạnh 12 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.
Kết phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 2.049 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với chốt phiên trước.
Đứng phiên giao dịch hôm qua 19/12, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng mạnh so với phiên trước. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh giá vàng SJC đứng quanh mức 73,9 – 74,9 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 73,9 – 74,92 triệu đồng/lượng (mua – bán). Các thị trường trên đều tăng mạnh 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 73,85 – 74,9 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,05 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 74 – 74,9 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 540.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 61,56 – 62,56 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 230.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 180.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán ở mức là 1 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 61,4 – 62,3 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 900.000 đồng/lượng.
Đêm qua – rạng sáng nay, khu vực kinh tế châu Âu đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính theo năm trong tháng 11 đã giảm mạnh về mức 2,4%, thấp hơn mức 2,9% đạt được trước đó và bằng với dự báo. CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) tính theo năm cũng giảm từ 4,2% tháng 10 xuống còn 3,6% tháng 11.
Chuyên gia nhận định, tiến trình kiểm soát lạm phát tại khu vực kinh tế châu Âu đang dần đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới là Nhật Bản vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng của quốc gia này đã vượt ngưỡng 2%.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết, cơ quan này chưa tăng lãi suất là do lạm phát gia tăng không phải bởi lương và giá hàng hóa trong nước tăng mà phần lớn là do giá nhập khẩu từ bên ngoài. Tuy nhiên, ngân hàng BOJ cũng để ngỏ có thể tăng lãi suất khi đầu năm tới Nhật Bản bước vào chu kỳ tăng lương.
Chuyên gia cho rằng, BOJ tiếp tục duy trì chính sách siêu nới lỏng tiền tệ khiến đồng yên tiếp tục giảm mạnh trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt. Giới đầu tư đã đẩy mạnh bán đồng yên để chuyển sang tài sản bảo toàn vốn là vàng.