Chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.782 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với chốt phiên trước.
Tuy nhiên, đầu phiên sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.784 USD/ounce, tăng 12 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và nhích nhẹ 2 USD so với chốt phiên giao dịch tại Mỹ trước đây vài giờ.
Giá vàng SJC tại thị trường trong nước sáng nay cũng bật tăng mạnh so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 57,55 – 58,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 57,55 – 58,27 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng 300.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Các doanh nghiệp cũng tăng giá vàng miếng SJC so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 57,25 – 57,95 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 57,45 – 58,05 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng 150.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán ở mức 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51 – 51,7 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 50,7 - 51,6 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.
Châu Âu mới công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại khu vực tháng 9 tăng 3,4% so với cùng kì năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng 8, bằng với dự báo trước đó.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi – đánh giá mức độ lạm phát tại khu vực châu Âu tháng 9 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng 8, bằng với dự báo trước đó.
Chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) tại Đức trong tháng 9 đã tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo trước đó là 1% so với táng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ. Sau thông tin này, chỉ số chứng khoán tại châu Âu và Mỹ đều tăng tích cực.
Giới đầu tư một mặt kỳ vọng vào sự phục hồi của các nền kinh tế. Tuy nhiên, một phần các nhà đầu tư vẫn dè dặt và nghi ngại rằng nền kinh tế châu Âu và Mỹ lạm phát gia tăng, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn. Bởi người dân hạn chế chi tiêu khi giá hàng hóa đắt đỏ.
Trước đó, Mỹ đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 9, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 5,4%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1 năm 1991 trở lại đây. Giá tiêu dùng gia tăng chủ yếu từ các mặt hàng thực phẩm, nhà ở và xăng dầu, dịch vụ thuê xe.
Chuyên gia nhận định, chỉ số giá tiêu dùng tăng se khiến cho người tiêu dùng thay đổi về số tiền chi trả cho mua sắm hàng hóa và dịch vụ tại các khu vực kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, người tiêu dùng tại Trung Quốc đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Nguyên nhân là do nước này đang tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý giao dịch trong lĩnh vực bất động sản sau thông tin Tập đoàn Evergrande đang nợ hơn 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá vàng không tăng mạnh sau số liệu lạm phát tăng cao là do, thị trường chứng khoán tại Mỹ, châu Âu, châu Ấ đều vẫn tích cực. Do đó, dòng tiền đã được san sẻ ra nhiều kênh đầu tư, nhằm hạn chế rủi ro.