Sáng nay, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á tăng mạnh hơn 32 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua, lên quanh ngưỡng 1.817 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng thế giới giao ngay chốt phiên đêm qua - rạng sáng nay tại thị trường Mỹ (giờ Hà Nội) đứng ở mức 1.818 USD/ounce, tăng hơn 31 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng SJC tại thị trường tự do trong nước phiên chiều qua đã đảo chiều tăng mạnh, sáng nay chỉ đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, cùng thời điểm trên, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,4 – 67,2 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,4 – 67,22 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 800.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng 200.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 66,2 – 67,2 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,3 – 67,2 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán và 850.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 52,95 – 53,8 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.
Vàng nguyên liệu 9999 của tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 52,95 – 53,9 triệu đồng/lượng, tăng 130.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 80.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 950.000 đồng/lượng.
Giá vàng bất ngờ bật tăng là do thị trường lo ngại căng thẳng leo thang giữa Nga và các nước phương Tây gia tăng. Sau khi áp giá trần đối với dầu thô, mới đây 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất áp giá trần đối với khí đốt của Nga.
Theo đó, EU thông báo khối này đã thống nhất được các biện pháp áp giá trần khí đốt Nga để giữ ổn định mặt hàng này trong tình huống khẩn cấp khi giá năng lượng tăng cao. Mức giá trần khí tự nhiên vận chuyển bằng đường ống là 192 USD/MWh (megawatt giờ).
Mức giá trần sẽ được kích hoạt nếu giá khí đốt tự nhiên giao dịch trên sàn TTF của Hà Lan, vượt 192 USD/MWh trong vòng ba ngày. Dự kiến mức giá trần này có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.
Đại diện phía Nga cũng đã đưa ra quan điểm, rằng Moscow coi hành động của EU là không thể chấp nhận được. Moscow sẽ cần thời gian để đánh giá thận trọng về ưu và nhược điểm trước khi đưa ra những biện pháp đáp trả việc áp giá trần dầu mỏ và khí mà EU đưa ra.
Theo chuyên gia, hiện EU vẫn chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn giải quyết vấn đề khí đốt và dầu mỏ. Trong khi đó, lạm phát tháng 10 ở châu Âu lập kỷ lục mới tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu Nga đưa ra những biện pháp đáp trả châu Âu trong việc tăng gia khí đốt và dầu mỏ, sẽ khiến khu vực này lâm vào tình cảnh giá cả leo thang theo giá khí đốt và dầu mỏ.
Hiện các nước EU sử dụng khoảng 36-37% khí đốt dùng vào việc sưởi ấm. Nếu nhu cầu không giảm thì khu vực kinh tế châu Âu sẽ có thể thiếu khoảng 70 tỉ mét khối khí đốt trong năm 2023.
Khí đốt, dầu mỏ và lạm phát tăng khiến người dân châu Âu thắt chặt chi tiêu. Doanh số bán lẻ châu Âu tháng 10 vừa được công bố đầu tháng 12 giảm mạnh 1,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 0,8% của tháng 9.
Nhu cầu chi tiêu giảm, dự báo của nhiều tổ chức tài chính lớn cho tằng khu vực kinh tế châu Âu sớm rơi vào suy thoái trong năm 2023. Rủi ro tăng cao trên thị trường đã khiến nhà đầu tư quay lại nắm giữ vàng. Quỹ uỷ thác vàng lớn nhất thé giới SPDR đã mua ròng 2 phiên liền vừa qua.