Vàng thế giới biến động mạnh do dữ liệu kinh tế Mỹ
Sau phiên đảo chiều tăng hôm qua, do số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tại Mỹ lại tăng lên trên 1,1 triệu người, phiên hôm nay giá vàng đã đảo chiều giảm.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng trên mốc 1.938 USD/oz, giảm 8 USD/oz so với chốt phiên giao dịch trước tại thị trường này.
Lúc 7 giờ 40 sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch ở quanh mức trên 1.939 USD/oz, giảm hơn 7 USD/oz so với cùng thời điểm này sáng qua và tăng nhẹ khoản 1 USD/oz so với chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh. Mở cửa tuần (17/8), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.936 USD/oz tại thị trường châu Á. Nhưng chỉ phiên sau đó, vàng thế giới đã tăng lên gần mức 1.990 USD/oz, tăng đến trên 50 USD/oz.
Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới trong phiên này tăng mạnh là do hàng loạt các khu vực kinh tế lớn công bố báo cáo tăng trưởng quý 2 giảm mạnh. Cụ thể, khu vực châu Âu có 19 nền kinh tế lớn nhất khu vực báo cáo tăng trưởng quý 2/2020 giảm 19%; Mỹ tăng trưởng GDP giảm 32,9% trong quý 2; Singapore GDP quý 2 giảm 41,2%, do đất nước này phụ thuộc chính vào thương mại và dịch vụ và Thái Lan giảm 12,2%.
Kinh tế Mỹ kém khả quan cũng khiến cho đồng USD giảm mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế. Chính vì thế giá vàng thế giới bị đẩy lên trên 2.000 USD/oz vào phiên ngày 19/8.
Tuy nhiên, cũng chỉ sau đó 1 phiên, vàng thế giới mất giá sâu về mức 1.929 USD/oz, mất đến 71 USD/oz chỉ trong 1 phiên. Nguyên nhân khiến giá vàng lao dốc trong phiên này cũng chỉ xoay quanh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố báo cáo cuộc họp tháng 8, cho thấy tình hình kinh tế Mỹ vẫn có nhiều khả quan. Cơ quan này không tăng hoặc giảm lãi suất thêm.
Phiên ngày 21/8, giá vàng lại bị đẩy lên cao ở mức 1.946 USD/oz, trước khi về lại mốc sáng nay. Phiên này giá vàng bị đẩy lên là do số người mất việc làm mới tại Mỹ tuần vừa qua tăng so với tuần trước đó lên mức trên 1,1 triệu người.
Như vậy, tuần qua giá vàng thế giới đã biến động mạnh cả chiều tăng và giảm. Bước giá điều chỉnh từ 40 đến trên 70 USD/oz. Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới chỉ nhích tăng khoảng 2 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Phiên cuối tuần giá vàng thế giới giảm nhẹ nhất khi người đứng đầu WHO nói: Dịch bệnh Covid-19 có thể mất trong vòng 2 năm nữa. Còn Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định số ca tử vong do dịch COVID-19 tại nước này bắt đầu giảm vào tuần tới. Tổ chức CDC này cho rằng cần có thêm thời gian để các biện pháp phòng dịch phát huy hiệu quả trong việc giảm tốc độ lây lan, bao gồm việc tiếp tục khuyến khích sử dụng khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và đóng cửa các cơ sở giải trí.
Cùng với những nhận định kể trên, thị trường kỳ vọng vào các nước sẽ nhanh chóng đưa vacine vào phòng chống sẽ giúp đẩy lùi dịch bệnh sớm hơn.
Nhận định của chuyên gia, nếu mọi việc thuận lợi như dự báo thì vàng thế giới có thể giảm xuống dưới 1.900 USD/oz.
Vàng SJC tăng mạnh
Tuần qua, giá vàng SJC cũng theo xu hướng thế giới tăng mạnh. Mở cửa phiên đầu tuần ngày 17/8, giá vàng SJC giảm mạnh tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 53,95 – 55,6 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giao dịch quanh mốc 53,95 – 55,6 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm trên, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở quanh mức 54,1 – 55,8 triệu đồng/lượng. Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở quanh mức 54,5 – 56 triệu đồng/lượng.
Phiên sau đó giá vàng SJC các DN kể trên đã tăng từ 1,1 đến gần 2 triệu đồng/lượng so với phiên trước. Đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất của giá vàng trong nước trong tuần qua. Tuy nhiên, 2 phiên liền đó, giá vàng SJC lại đi xuống ngược chiều thế giới. Đến phiên ngày 21/8 vàng SJC lại tăng giá, trở lại xu hướng chung.
Sáng nay, giá vàng SJC có nơi giảm mạnh, có đơn vị đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 35, giá vàng SJC trên thị trường tự do tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 55,35 – 56,75 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 55,35 – 56,77 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,4 triệu đồng/lượng.Cùng thời điểm trên, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở quanh mức 55,15 – 56,25 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua và đi ngang chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,1 triệu đồng/lượng.Cùng thời điểm trên, Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở quanh mức 55,4 – 56,4 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.Sáng nay, giá vàng nhẫn các đơn vị lại ngược chiều tăng giá so với chốt phiên trước. Cụ thể, nhẫn phú quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết mua - bán ở mức 53 – 54,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán là 1,5 triệu đồng/lượng.Vàng nhẫn tròn trơn rồng Thăng Long được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết mua - bán ở mức 53,08 – 54,23 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua, nhưng giảm 150.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán 1,15 triệu đồng/lượng.Tính chung tuần qua, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 1,45 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Doji 1,05 triệu đồng/lượng và Phú Quý tăng 900.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Trong khi đó, giá vàng thế giới cơ bản đi ngang.Nhận định của chuyên gia, giá vàng trong nước tuần qua có phiên đi theo xu hướng thế giới những có phiên ngược chiều. Hơn nữa giá vàng thế giới biến động mạnh, do đó có thể không theo nhu cầu hay quy luật tự nhiên. Chuyên gia khuyến cáo, người dân có thể mua theu nhu cầu, còn nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng trước khi giao dịch, nhất là những yếu tố tác động lên giá vàng là tăng trưởng kinh tế và dịch bệnh.