Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 24/12: Tiếp tục tăng khi số liệu kinh tế trái chiều

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (24/12), giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục tăng khi Mỹ công bố một số số liệu kinh tế trái chiều nhau. Xu hướng ngắn hạn của vàng vẫn tăng nhưng kỳ vọng không lớn.

 Giá vàng thế giới tăng, trong nước giảm. Ảnh minh họa.

Chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.808 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Đầu phiên sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.808 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua, đi ngang với chốt phiên Mỹ trước đó vài giờ.
Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước lại đảo chiều đi xuống so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 60,85 - 61,55 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 60,85 - 61,57 triệu đồng/lượng.
Thị trường trên đều giảm 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, các thị trường trên đã giảm mạnh 200.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Các doanh nghiệp giảm giá vàng miếng SJC so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 60,85 – 61,45 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã giảm mạnh đến 250.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 60,97 – 61,5 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 70.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 52,3 – 53 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, các thị trường trên đã tăng 100.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 52,25 – 52,95 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, các thị trường trên đã tăng đến 250.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 triệu đồng/lượng.
Bộ Lao động Mỹ mới công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua ở mức thấp 205.000 đơn, bằng với dự báo và cũng bằng với số liệu tuần trước đó. Đây là con số rất thấp trong lịch sử, thấp hơn cả khi chưa có dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Điều này cho thấy thị trường lao động tại Mỹ không bị ảnh hưởng bất chấp sự gia tăng của biến thể mới Omicron.
Với thông tin số liệu việc làm tích cực, theo quy luật của thị trường đáng lẽ giá vàng phải đi xuống. Tuy nhiên, thị trường lại đón nhận thông tin không mấy tích cực khi Mỹ công bố chỉ số chi tiêu cá nhân - đo lường sự thay đổi trong giá trị được điều chỉnh theo lạm phát của tất cả các khoản chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 11 dù bằng với dự báo nhưng đã giảm mạnh so với kỳ báo cáo tháng trước, chỉ tăng 0,6% trong tháng, thấp hơn mức tăng 1,4% của tháng 10.
Theo giới phân tích, việc chỉ số chi tiêu cá nhân giảm mạnh có thể tác động đến nền kinh tế ở cả 2 chiều tích cực và không tích cực. Nhìn nhận ở chiều tích cực thì nhu cầu tiêu dùng giảm, có nghĩa người dân đang thắt chặt chi tiêu. Điều này sẽ giúp Mỹ kiềm chế dần tỷ lệ lạm phát xuống mức thấp như kỳ vọng. Ở chiều không tích cực, khi chỉ số chi tiêu cá nhân giảm mạnh chưa bằng một nửa của tháng trước, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Bởi tiêu dùng là một mắt xích trong vòng tròn của hoạt động sản xuất hàng hóa – lưu thông – phân phối cho đến khi dòng vốn được quay trở lại nhà máy. Nếu chi tiêu bị hạn chế thì sản xuất khó phục hồi tốt. Điều này khiến giới đầu tư vẫn lấy vàng làm điểm tựa để lưu trú dòng vốn khi bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2022.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho biết, giá vàng tăng trong ngắn hạn nhưng không bền vững. Bởi lẽ, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ Giáng sinh tại Mỹ và các nước vẫn tăng cao trong tháng 12. Một thông tin mới nhất rất tích cực từ dịch bệnh Covid-19, đó là: Vương quốc Anh, Đan Mạch và Nam Phi đều công bố số liệu về nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng giảm từ các ca lây nhiễm do biến thể Omicron.
Nền kinh tế Nga sau khi sụt giảm 3% trong năm trước nhưng đã bật tăng mạnh trong năm 2021 với mức tăng trưởng GDP là 4,6%, trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất trong lịch sử, với trị giá hàng hóa 94 tỷ ruble, tăng gấp đôi năm trước.  Số diện tích nhà xây mới cũng đạt mức cao nhất lịch sử, với 90 triệu m2 nhà được xây mới trong năm 2021.
Với thông tin tích cực về dịch bệnh và các thông tin kinh tế bắt đầu được công bố, có thể sẽ đẩy giá vàng đi xuống vào đầu năm mới 2022 Chuyên giá khuyến cáo nhà đầu tư không nên nắm giữ quá nhiều kim loại quý ở mức giá cao như hiện nay. Bởi khi các biến chủng mới của Covid-19 sẽ ngày càng yếu đi và các quốc gia tăng cường tiêm vaccine cho người dân. Đặc biệt, Mỹ vừa hỗ trợ 580 triệu USD hỗ trợ bổ sung cho các tổ chức quốc tế nhằm ngăn chặn đại dịch. Nếu như mọi người dân trên thế giới đều được tiếp cận với vaccine và các biến chủng mới hạn chế gây nguy hiểm đến tính mạng của con người thì vàng sẽ giảm giá sâu. Dự báo của chuyên gia, giá vàng thế giới có thể lùi về mức 1.600 USD/ounce trong năm 2022.