Giá vàng hôm nay 24/3: Tiếp tục tăng mạnh, vàng nhẫn tăng đến 400.000 đồng/lượng

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng nay (24/3) trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng mạnh so với chốt phiên trước. Giá vàng trong nước sáng nay cũng tăng mạnh, trong đó vàng nhẫn đã tăng đến 400.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên sáng qua.

Giá vàng tăng mạnh trong phiên sáng. Ảnh minh họa.
Giá vàng tăng mạnh trong phiên sáng. Ảnh minh họa.

Sáng nay, giá vàng trên thị trường quốc tế đảo chiều tăng mạnh so với phiên trước. Lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.993 USD/ounce, tăng mạnh 25 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, chốt phiên tại thị trường Mỹ đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng ở mức 1.991 USD/ounce, tăng mạnh 24 USD/ounce so với chốt phiên trước đó tại thị trường này.

Giá vàng SJC tại thị trường tự do sáng nay cũng tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,65 – 67,35 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,65 – 67,37 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 66,6 – 67,35 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,8 – 67,5 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54,95 – 55,95 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 1 triệu đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã tăng giá vàng nhẫn đến 300.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji 9999 của tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 54,65 – 56,05 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán 1 triệu đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã tăng giá vàng nhẫn đến 400.000 đồng/lượng.

Sau Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25%, thì các ngân hàng khu vực châu Âu cũng tăng lãi suất, bất chấp khủng hoảng ngân hàng xảy ra trong thời gian qua.

Cụ thể, đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất cơ bản đồng bảng Anh (GBP) 0,25% so với trước đó, lên mức lên 4,25%. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) tăng 0,5% lên mức 1,5%, bất chấp những biến động trong hoạt động ngân hàng mấy tuần gần đây. Bên cạnh đó Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng tăng thêm 0,25% lãi suất điều hành.

Nguyên nhân chính khiến các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Âu tiếp tục tăng lãi suất điều hành, bất chấp những biến động xấu từ hệ thống ngân hàng là do lạm phát tiếp tục tăng mạnh.Cụ thể, tại Anh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng vọt lên mức kỷ lục 10,4%. Lạm phát lõi không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng đã tăng từ 5,8% trong tháng 1 lên 6,2% tháng 2/2023.

Lạm phát tại Thụy Sỹ tháng 2/2023 cũng tăng lên mức 3,4%, cao hơn mức 3,3% của tháng 1 và cao hơn cả mức dự báo 3,1%. Lạm phát lõi không kể năng lượng và thực phẩm của Thụy Sỹ cũng tăng tháng thứ 3 liên tiếp lên 2,4%.

Các ngân hàng kể trên đều cho biết, nếu lạm phát còn tăng thì họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Thông thường lạm phát tăng cao, giới đầu tư chỉ lo ngại nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với thời gian lạm phát kéo dài, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công bởi hàng hóa tồn kho nhiều. Điều này sẽ đẩy các nền kinh tế rơi suy thoái.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, giới đầu tư còn thêm một lo ngại nữa đó là lãi suất tăng cao sẽ làm hệ thống các ngân hàng thương mại rơi vào khủng hoảng. Trong khoảng hơn 3 tuần trở lại đây đã có 2 ngân hàng ở Mỹ và 1 ngân hàng tại Thụy Sỹ mất kiểm soát phải nhờ đến các ngân hàng trung ương và cơ quan của Chính phủ hỗ trợ.

Những lo ngại rủi ro có thể xảy ra bất kỳ khi nào đối với hệ thống ngân hàng và sự suy yếu của các nền kinh tế được dự báo trước, khiến giới đầu tư đẩy mạnh mua vào kim loại quý. Quỹ ủy thác vàng lớn nhất thế giới SPDR phiên ngày 23/3 đã mua ròng 2,31 tấn vàng.

Chuyên gia nhận định, với diễn biến của lạm phát hiện nay vẫn khó giảm sẽ khiến các ngân hàng trung ương chưa ngừng tăng lãi suất điều hành. Do đó, hệ thống các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng tư nhân sẽ khó tránh khỏi rủi ro. Điều này sẽ giúp vàng còn tăng giá trong tương lai, có thể vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần