Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.973 USD/ounce, tăng hơn 7 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trước đó, chốt phiên tại thị trường Mỹ đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức gần 1.976 USD/ounce, tăng hơn 5 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng SJC tại thị trường tự do đi ngang, doanh nghiệp tăng so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,55 – 67,15 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,55 – 67,17 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều niêm yết ngang giá cả chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,5 – 67,1 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,5 – 67,1 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn sáng nay tăng mạnh so với phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,9 – 56,9 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lương chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 1 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 55,65 – 56,65 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 900.000 đồng/lượng.
Thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang đặt mối quan tâm đói với việc nâng trần nợ công của Mỹ. Cuộc đàm phán nâng trần nợ công tại Mỹ vẫn rơi vào bế tắc khi cả 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa của nước này chưa tìm được tiếng nói chung trong nâng trần.
Bà Janet Yellen – Bộ Trưởng Bộ Tài chính Mỹ trong bức thư gửi Quốc hội nước này, nêu rõ: Để đến phút chót mới nâng trần nợ công cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Trước hết là niềm tin của người kinh doanh đi vay nợ bị giảm sút nghiêm trọng, làm tăng chi phí đi vay của người đóng thuế và tác động lên xếp hạng tín nhiệm nước Mỹ.
Nhiều phân tích cho rằng, trần nợ công nước Mỹ không được tháo gỡ sẽ tác động xấu đến thương mại toàn cầu, thất nghiệp gia tăng, chi phí đi vay và lạm phát tăng vọt. Điều này khiến cho nền kinh tế số một thế giới rơi vào suy thoái.
Nợ công không biết sẽ được giải quyết như thế nào, nhưng nền kinh tế Mỹ đã cho những dấu hiệu kém khả quan. Cụ thể, ngày 23/5, Mỹ đã công bố chí số quản trị mua hàng trong lĩnh vực sản xuất (PMI) tháng 5 đã giảm mạnh từ 50,2 điểm tháng 4 xuống còn 48,5 điểm. Chỉ số PMI đo lường mức độ hoạt động của các giám đốc mua hàng trong ngành sản xuất. Số liệu thực tế thấp hơn 50 biểu thị sự thu hẹp trong ngành sản xuất.
Ngày mai (25/5), Mỹ sẽ công bố tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP quý 1/2023. Báo cáo tháng trước đã cho thấy GDP quý 1/2023 giảm mạnh từ mức 2,6% quý 4/2022 xuống 1,1%. Dự báo lần này GDP vẫn giữ ở mức 1,1%. Nếu thực tế thấp hơn mức dự báo cho thấy nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc mạnh. Cộng với nâng trần nợ công không được giải quyết thì Mỹ chính thức rơi vào suy thoái.
Những thông tin trần nợ công và sản xuất tại Mỹ đang có những tín hiệu kém khả quan, nhà đầu tư đã đẩy mạnh nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro, cũng như tìm kiếm lợi nhuận.