Giá vàng hôm nay 26/3: Thị trường quốc tế suy yếu, SJC leo cao

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (26/3), giá vàng thế giới ''hạ nhiệt” sau 2 phiên tăng mạnh liên tiếp. Mỹ và Anh đang tìm cách cấm Nga giao dịch vàng. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ vẫn nóng sẽ hỗ trợ vàng khó lùi sâu.

Còn nhiều yếu tố hỗ trợ

Sáng nay (26/3), lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.958 USD/ounce, giảm nhẹ 3 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng chốt phiên tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.958 USD/ounce, tăng hơn 1 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng bị kìm đà tăng trong phiên vừa qua do giới đầu tư chốt lời. Trong khi đó các quỹ ủy thác vàng từ chỗ mua ròng đã tạm ngừng để chờ đợi thông tin trên thị trường.

Giá vàng thế giới giảm nhẹ, trong nước vẫn tăng. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ, trong nước vẫn tăng. Ảnh minh họa.

Theo giới phân tích, giá vàng đang tiệm cận ngưỡng cản 1.971 USD/ounce nên giới đầu tư tỏ ra thận trọng. Mặt khác, giá vàng còn chịu sức ép khi mới đây Mỹ cho biết sẽ cấm các giao dịch vàng với Nga.

Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ công bố: “Công dân Mỹ bị cấm tham gia vào bất kỳ giao dịch nào, bao gồm cả các giao dịch liên quan đến vàng với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Quỹ Tài chính Quốc gia của Liên bang Nga hoặc Bộ Tài chính Liên bang Nga”.

Cùng với đó, mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Nga đang có dấu hiệu sử dụng vàng để lách các lệnh trừng phạt. Do vậy, Anh sẽ làm những việc cần thiết để đảm bảo Nga không thể bán vàng thỏi.

Hiện kho dự trữ vàng của Nga có giá trị khoảng 130 tỷ USD, lớn thứ 5 thế giới. Nếu Mỹ và Anh chính thức đưa ra lệnh cấm giao dịch vàng với Nga sẽ khiến thị trường vàng có phần giảm đi sự hấp dẫn và sôi động. 

Tuần qua, giá vàng thế giới được hỗ trợ bởi sự gia tăng quân sự của khối NATO và Mỹ cho Ukraine, khiến căng thẳng địa chính trị leo thang. Giới đầu tư vàng tư nhân cũng như các quỹ ủy thác vàng đã đẩy mạnh mua kim loại quý nhằm kiếm lời và phòng ngừa rủi ro. Kết tuần, giá vàng thế giới tăng 36 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

Mặc dù có những yếu tố gây bất lợi cho giá vàng kể trên, nhưng giới phân tích cho rằng kim loại quý là vàng vẫn được dầu mỏ hỗ trợ. Bởi các nước Mỹ và châu Âu khi đưa ra lệnh cấm đối với Nga, vẫn gặp phải những bế tắc trong quá trình đi tìm sản lượng dầu mỏ thay thế lượng cung thiếu hụt.

Cụ thể, mới đây Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã làm một cuộc khảo sát tại Dallas cho thấy, 59% số CEO của các công ty dầu mỏ niêm yết cho rằng, họ khó tăng sản lượng sản xuất dầu mỏ. Bởi sức ép từ các nhà đầu tư cổ phiếu trong việc duy trì nguyên tắc vốn là nguyên nhân chính khiến các nhà sản xuất dầu mỏ chưa thể tăng sản lượng.

Nhiều năm qua ngành dầu mỏ của Mỹ đã dốc sức tăng sản lượng, nhưng giá dầu duy trì ở mức thấp. Hàng trăm đơn vị sản xuất dầu mỏ đã phá sản khi nhiều lần giá dầu lao dốc, khiến các nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp niêm yếu hạn chế tăng sản lượng sản xuất nhằm đảm bảo lợi nhuận.

Nhận định của chuyên gia, nếu Mỹ và các nước khác không có nguồn cung thay thế, chắc chắn kể từ tháng 4/2022, thị trường dầu mỏ sẽ thiếu hụt trông thấy. Giá dầu leo dốc, kéo theo giá vàng hưởng lợi đi lên khi thị trường gia tăng rủi ro.

Giá vàng SJC vẫn tăng mạnh

Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước vẫn tăng mạnh so với phiên trước, bất chấp thị trường thế giới ''hạ nhiệt”. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,6 - 69,35 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 68,6 - 69,37 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 650.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,3 - 69,2 triệu đồng/lượng, giữ giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,4 - 69,2 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,35 - 56,3 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 950.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 55,3 - 56,3 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, vàng SJC trên thị trường đã tăng 800.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Doji đã tăng 600.000 đồng/lượng; còn Phú Quý tăng 550.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Giá vàng nhẫn tăng thấp hơn, mức tăng khoảng từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Theo một số DN, hiện thị trường vẫn đang có nhiều yếu tố hỗ trợ đó là căng thẳng tại Ukraine, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, giá vàng SJC trong nước đang tăng cao hơn giá vàng thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng, do đó giới đầu tư và người dân nên cân nhắc kỹ trước khi mua vào.