Đầu phiên sáng nay, lúc 8 giờ 30 phút, tại thị trường châu Á giá vàng thế giới giao ngay giao dịch quanh ngưỡng 1.810 USD/ounce, tăng hơn 2 USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước chỉ đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 60,9 - 61,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 60,9 - 61,62 triệu đồng/lượng.
Thị trường trên đều ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Các doanh nghiệp cũng niêm yết ngang giá vàng miếng SJC so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 60,8 – 61,5 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 60,95 – 61,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và giảm chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 550.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 52,3 – 53 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 52,3 – 53 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia nhận định, giá vàng thế giới đi lên là do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao. Hàng năm vào dịp tháng 12 năm trước và tháng 1 năm sau sẽ là thời điểm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đối với kim loại quý. Cùng với nhu cầu thường niên, năm nay dự báo lạm phát vẫn tăng mạnh ở nhiều quốc gia, khu vực nên nhà đầu tư cũng mua vàng để tích trữ dự phòng rủi ro đã đẩy giá vàng đi lên. Dự báo giá vàng thế giới có thể vượt ngưỡng 1.830 USD/ounce trong khoảng cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2022, khi nhu cầu tiêu dùng các nước trong khu vực châu Á tăng mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo, nhà đầu tư có thể chọn thời điểm mua – bán cho phù hợp, tránh rủi ro cho dòng vốn. Bởi về dài hạn, giá vàng khó có thể tăng cao khi bắt đầu từ tháng 3/2022 nhiều ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt tiền tệ hơn bằng cách nâng lãi suất. Do đó, các đồng tiền có giá trị thì vàng sẽ giảm mạnh.
Cùng với đó, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Vương quốc Anh vừa mới đưa ra dự báo sản lượng kinh tế thế giới sẽ đạt cột mốc 100.000 tỷ USD vào năm 2022, đây là lần đầu tiên đạt mức cao nhất ở cột mốc này bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19. Trước đó, năm 2020 cơ quan CEBR dự báo kinh tế thế giới đạt được mốc 100.000 tỷ USD là năm 2024. Như vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới lên cột mốc 100.000 tỷ USD nhanh hơn dự báo đến 2 năm.
Bên cạnh đó, một số nước đã đưa ra thông tin rằng, biến thể Omicron không gây nguy hiểm đến tính mạng như các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2 nếu người dân được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine trở lên.
Như vậy, với những thông tin dự báo tích cực kể trên cả về kinh tế và dịch bệnh Covid-19 thì giá vàng khó có thể tăng mạnh.