Sáng nay (29/4), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội) giao dịch quanh ngưỡng 1.902 USD/ounce, tăng mạnh hơn 19 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trước đó, chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường Mỹ đứng ở mức hơn 1.894 USD/ounce, tăng 9 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Sáng nay giá vàng SJC trên thị trường trong nước cũng tăng mạnh so với chốt phiên trước và đi cùng xu hướng thế giới. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 69,55 – 70,15 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 69,55 - 70,17 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 69,5 – 70,1 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 69,45 – 70,1 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54,9 – 55,6 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 54,7 – 55,5 triệu đồng/lượng, giữ giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Bộ Thương mại Mỹ vừa mới công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này trong quý 1/2022 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 6,9% quý trước đó là quý 4/2021 và là mức thấp nhất kể từ khi diễn ra đại dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ, yếu tố khiến GDP của Mỹ suy giảm mạnh là do chi tiêu của Chính phủ ở mức thấp, lạm phát tăng cao và đứt gãy chuỗi cũng ứng bởi dịch bệnh. Cùng với đó là căng thẳng leo thang tại Ukraine và do các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Nga. Đặc biệt, thâm hụt thương mại của Mỹ trong quý 1 đã tăng lên khoảng 18% so với cùng kỳ.
Thông tin về nền kinh tế lớn nhất thế giới suy yếu đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh mua vàng. Tuy nhiên, lực mua không quá ồ ạt, bởi giới phân tích cho rằng, nền kinh tế Mỹ chỉ suy giảm trong quý 1 và sẽ bắt đầu phục hồi kể từ quý 2 năm nay. Bởi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tính theo tuần tiếp tục giảm xuống mức 180.000 đơn trong tuần qua, thấp hơn mức của tuần trước đó.
Số liệu việc làm cùng với số liệu tiêu dùng vẫn tích cực, cho thấy nền kinh tế Mỹ chưa bước vào thời kỳ suy thoái. Dự kiến GDP của Mỹ sẽ tăng 3,7% trong năm 2022, dù thấp hơn rất nhiều mức 5,7% năm 2021, nhưng đây cũng là con số tăng trưởng tốt.