Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 3/6: Lạm phát dâng cao kéo giá vàng vọt tăng

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng sáng nay 3/6, trên thị trường thế giới và trong nước cùng tăng mạnh so với phiên trước. SJC tăng đến 250.000 đồng/lượng. Lạm phát nhiều quốc gia công bố đã vượt kỷ lục, khiến giới đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu có thể gặp khó khăn.

Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng mạnh. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Sáng nay (3/6), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào lúc 8 giờ 10 phút (giờ Hà Nội) giao dịch quanh ngưỡng 1.872 USD/ounce, tăng mạnh 26 USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, giá vàng thế giới chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội) tại thị trường Mỹ đứng ở mức hơn 1.868 USD/ounce, tăng 22 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC trên thị trường tự do sáng nay cùng tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,8 – 69,7 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 68,8 – 69,72 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,75 – 69,65 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 68,75 – 69,6 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 250.000 đồng/lượng chiều mua chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54,2 – 54,95 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold loại 1 chỉ niêm yết giá mua - bán quanh mức 53,95 – 54,75 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Lạm phát ở một số nước phát triển G7 gồm Mỹ, Anh, Đức, Canada tăng cao kỷ lục trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể, chỉ số CPI tại Mỹ tăng 8,3% trong tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm trước; Anh tăng 7,8%; Đức tăng 7,4%; Canada tăng 6,8%... Chỉ có Nhật Bản, Pháp, Italy có chỉ số CPI thấp hơn mức 2,5%.

Hầu hết các quốc gia này cho rằng, lạm phát tăng cao là do giá nhiêu liệu, ngũ cốc đã tăng mạnh sau khi Nga chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây sau khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2 năm nay.

Cùng với lạm phát tăng cao, mới đây châu Âu và Mỹ lại có thêm những lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Cụ thể, châu Âu đã đồng thuận cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt và dầu mỏ của Nga. Các quốc gia cũng đang chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trước mùa đông. EU đã đặt mục tiêu giảm khí đốt từ Nga tới 66% trước cuối năm 2022 và tăng lượng khí đốt trong kho chứa ngầm lấp đầy khoảng 80% vào tháng 11 tại các nước thành viên.

Hôm 2/6, Mỹ đã thông báo áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới liên quan đến Moskva. Cụ thể, lệnh trừng phạt đã đưa 17 cá nhân và 71 đảng phái ở Nga và Belarus vào danh sách các thực thể bị hạn chế tiếp cận các mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ, bao gồm thiết bị, công nghệ, phần mềm.

Ngược lại, Nga cũng đã cắt nguồn cung khí đốt cho Đan Mạch và Đức từ 1/6 do các công ty cung cấp khí đốt cho 2 quốc gia này từ chốt không thanh toán bằng đồng rúp. Trước đó, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.

Với những những lệnh áp đặt qua lại giữa các bên, đang đẩy căng thẳng leo thang giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây. Cùng với đó, các nguồn cung nhiên liệu bị ngừng cung cấp đột ngột từ Nga sẽ gây hệ lụy không nhỏ đối với sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế lớn.

Chuyên gia nhận định, nếu các đầu tàu kinh tế của thế giới vẫn chưa thoát khỏi các khó khăn là giá hàng hóa thiết yếu leo thang, chuỗi cung ứng đứt gãy thì có thể kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình phục hồi. Những khó khăn đang hiện hữu, khiến giới đầu tư đã đẩy mạnh mua kim loại quý để phòng vệ rủi ro.