Giá vàng hôm nay 3/6: Trong nước và quốc tế cùng tăng mạnh bất chấp kinh tế tích cực

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (3/6) giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh. Nền kinh tế khu vực châu Âu có thêm tín hiệu vui đó là chỉ số giá sản xuất PPI tháng 4 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, tốt hơn mức dự báo trước 7,3% và số liệu tháng 3 tăng 4,3%. Dù vậy nhưng vàng lại tăng giá.

 Giá vàng trong nước và quốc tế cùng tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức trên 1.909 USD/ounce, tăng trên 10 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Tại thị trường châu Á sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay cũng tăng so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức trên 1.907 USD/ounce, tăng hơn USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng trong nước sáng nay cũng tăng so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mức 57,05 – 57,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch trong khoảng 57,05 – 57,67 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng mạnh 100.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Doji trên thị trường Hà Nội mua – bán quanh mức 56,95 - 57,5 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 550.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 57,07 - 57,62 triệu đồng/lượng, tăng 120.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 170.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 550.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 53,3 - 54 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 53,15 – 53,95 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Đêm qua, thị trường đón nhận thông tin tích cực từ khu vực kinh tế châu Âu, khi chỉ số giá sản xuất PPI tháng 4 tăng 7,6% so với cùng kì năm trước, cao hơn mức dự báo trước 7,3% và số liệu tháng 3 tăng 4,3%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất (PMI) tháng 5 tăng lên 61,2 điểm, tốt hơn dự báo là 60,9 và số liệu tháng 4 là 60,7.
Trước đó, EU đã công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất (PMI) đã tăng lên 63,1 trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 6/1997 trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của khu vực cũng tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, tốt hơn mức dự báo 1,9% trước đó. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng lõi - lạm phát tháng 5 chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy kinh tế khu vực châu Âu đang tăng trưởng tích cực sau một thời gian vật lộn với dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, kinh tế châu Âu tăng trưởng tốt thì các đồng tiền trong khu vực này phải tăng giá, nhưng ngược lại. Chỉ số dollar-Index - đo lường sức mạnh của đồng USD trong giỏ các đồng tiền chính lại tăng mạnh 0,4% lên mức 90,175 điểm.
Thông thường, kinh tế tăng trưởng, đồng USD tăng giá sẽ khiến vàng chìm sâu. Tuy nhiên, trong phiên đêm qua, giá vàng quốc tế lại bật tăng. Giới đầu tư cho rằng chỉ số giá sản xuất PPI tháng 4 tăng 7,6% so với cùng kì năm trước và cao hơn dự báo, cho thấy lạm phát đang gia tăng.
Mặt khác, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ chưa áp dụng các quy định hạn chế chi tiêu ngân sách trong Liên minh châu Âu (EU) trong cả năm 2022 để các nước thành viên có thêm thời gian triển khai các gói hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch. EC cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực EU vẫn chưa đồng đều và còn nhiều bất ổn. Hiện tại, kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ.
Giới đầu tư cho rằng, việc EC chưa áp dụng các quy định hạn chế chi tiêu ngân sách trong khu vực EU trong cả năm 2022 sẽ khiến cho đồng EUR và các đồng tiền khác trong khu vực tiếp tục mất giá, đẩy lạm phát gia tăng, đây chính là nguyên nhân khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng.