Sáng nay (31/8), lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.737 USD/ounce, giảm hơn 15 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trước đó, chốt phiên tại thị trường Mỹ đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng tại mức 1.724 USD, giảm hơn 13 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng SJC sáng nay cũng đảo chiều giảm mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 65,75 – 66,55 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 65,75 – 66,57 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm mạnh 150.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 65,7 – 66,5 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch 2 chiều mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 65,7 – 66,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51,35 – 52,1 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 200.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 750.000 đồng/lượng.
Vàng nguyên liệu 9999 của Tập đoàn Doji, niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 51,2 – 52 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Theo trang phân tích tài chính Investing.com, hoạt động sản xuất ở các tiểu bang Trung - Đại Tây Dương của Mỹ đã bất ngờ tăng tốc vào tháng 8, sau hai tháng suy giảm trước đó. Chỉ số sản xuất hàng tháng của Cục Dự trữ Liên bang Philadelphia đạt ở mức 6,2, cao hơn mức giảm 5 dự báo của các nhà phân tích trước đó. Trong khi đó, tháng 6 và 7 chỉ số sản xuất hàng tháng của Mỹ có mức giảm lần lượt là 3,3 và 12,3.
Cùng với đó, số liệu việc làm mới của Mỹ vẫn đang rất tích cực, với dự báo nền kinh tế này đang cần khoảng 1,2 triệu việc làm mới do nhiều người mắc Covid-19 phải nghỉ việc và một số nguyên nhân khác. Những người tìm việc mới dễ được tuyển dụng ngay sau khi họ nộp đơn. Việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng lên 280.000 việc làm, cao hơn mức dự báo trước đó là 200.000 việc làm.
Tín hiệu kinh tế phục hồi mạnh và số lao động có việc làm vẫn duy trì tốt đã khiến thị trường dự báo, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất trong tháng 9 với mức tăng 0,75%, thay vì 0,5% như dự báo trước đó.
Nền kinh tế Úc cũng cho tín hiệu tích cực, cụ thể doanh số bán lẻ của Úc trong tháng 7 đã tăng 1,3% so với tháng 6, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0,3% và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.Dự báo, đà tăng doanh thu bán lẻ tại Úc có thể kéo sang hết quý thứ ba năm nay.
Việc tăng doanh số bán lẻ, cho thấy nều kinh tế Úc đang phục hồi tốt sau đại dịch và sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Úc tiếp tục việc tăng lãi suất, nhằm kiềm chế lạm phát. Trước đó, vào đầu tháng 8, Ngân hàng Trung ương Úc đã tăng 0,5% lãi suất cơ bản lên 1,85%.
Như vậy, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang phát đi những tín hiệu tăng trưởng tích cực, sau những dự báo suy thoái, giảm phát trước đó. Những thông tin kể trên đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán vàng là tài sản dự trữ sang chuyển sang nắm giữ tiền và trái phiếu.
Trong phiên ngày 30/8, Quỹ ủy thác vàng lớn nhất thế giới SPDR đã bán ra 4,28 tấn vàng, mức bán cao nhất trong 10 phiên bán ròng của quỹ này trong tháng 8, đưa lượng nắm giữ vàng của quỹ này giảm còn 976.26 tấn.
Chuyên gia nhận định, tín hiệu các nền kinh tế đang tích cực dần sẽ còn đẩy giá vàng giảm sâu trong thời gian tới. Nhất là sang đầu tháng 9, các báo cáo kinh tế được công bố, do đó việc đẩy mạnh bán vàng ra trong thời điểm giá vàng còn cao sẽ hạn chế rủi ro.