Sáng nay (4/10), lúc 8 giờ 30 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.698 USD/ounce, đảo chiều tăng mạnh hơn 31 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trước đó, chốt phiên tại thị trường Mỹ đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.700 USD/ounce, tăng mạnh hơn 40 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng SJC tại thị trường trong nước sáng nay tiếp tục tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, cùng thời điểm trên, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 65,6 - 66,6 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 65,6 - 66,62 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 400.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 65,6 – 66,6 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch hai chiều mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 65,7 - 66,7 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 450.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 52,45 – 53,35 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 650.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Vàng nguyên liệu 9999 của Tập đoàn Doji, niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 52 – 53,35 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 650.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng tăng mạnh là bởi, ngày 3/10, trên thị trường quốc tế đón nhận hàng loạt các thông tin kinh tế kém tích cực. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị sản xuất (PMI) – đo lường sức mua hàng tháng 9 của Mỹ giảm mạnh xuống 50,9 điểm, thấp hơn mức của tháng 8 là 52,8 điểm và thấp hơn mức dự báo trước đó là 52,2 điểm.
Cùng với đó, chỉ số nhà quản lý thu mua (PMI) của Khu vực kinh tế đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm mạnh xuống mức 48,4 điểm, thấp hơn mức 48,5 trong tháng 8 và đứng thấp nhất trong 27 tháng qua.
Chỉ số PMI sản xuất thể hiện sức mua hàng của nền kinh tế trong tương lai. Chỉ số giảm cho thấy số đơn đặt hàng giảm, do đó nền kinh tế sẽ kém tăng trưởng.
Cùng với số liệu kinh tế Mỹ và khu vực Eurozone, ngày 3/10, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ hứng chịu đợt suy thoái tồi tệ nhất trong số các khu vực có những nước đang phát triển trong năm nay và năm tới.
Các nước bị ảnh hưởng suy thoái nặng đáng kể là 3 nước có nền kinh tế lớn trong khu vực gồm Brazil, Mexico, Argentina có thể giảm một nữa so với dự báo trước. Brazil và Mexico dự báo chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm nay và tăng 0,6% trong năm 2023.
Những chỉ số kinh tế kém tích cực và dự báo bi quan kể trên đã khiến giới đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng rơi vào suy thoái. Do đó, họ đã đẩy mạnh mua vàng khi ở mức giá thấp để phòng ngừa rủi ro.
Ngày 3/10, Quỹ ủy thác vàng lớn nhất thế giới (SPDR) đã có phiên mua ròng mạnh với 3,19 tấn.Chuyên gia khuyến cáo, giới đầu tư nên quan sát kỹ thị trường và có kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hợp lý, tránh “bỏ trứng 1 giỏ” dẫn đến khi thị trường đi xuống khó thoát vốn.