Giá vàng hôm nay 4/4: Tăng vọt sau khi sản lượng dầu bị cắt giảm

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng nay (4/4) trên thị trường quốc tế đảo chiều tăng vọt so với phiên trước. Sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) bất ngờ cắt giảm sản lượng dầu mỏ, khiến đồng USD lao dốc. Giá trị đồng USD sụt giảm mạnh, giới đầu tư đã gom vàng.

Giá vàng trong nước và quốc tế cùng tăng vọt. Ảnh minh họa.
Giá vàng trong nước và quốc tế cùng tăng vọt. Ảnh minh họa.

Sáng nay, giá vàng trên thị trường quốc tế đảo chiều tăng mạnh so với phiên trước. Lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.980 USD/ounce, tăng mạnh 22 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, chốt phiên tại thị trường Mỹ đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng ở mức 1.983 USD/ounce, tăng 16 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC tại thị trường tự do sáng nay đảo chiều tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,6 – 67,2 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,6 – 67,22 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng mạnh 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng 300.000 đồng/lượng vàng miếng SJC.

Giá vàng SJC tại tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 66,55 – 67,15 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,6 – 67,2 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 400.000 đồng/lượng vàng miếng SJC.

Giá vàng nhẫn sáng nay giảm so với phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,15 – 56,15 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 1 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 55 – 56,1 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán 950.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 400.000 đồng/lượng vàng nhẫn.

Ngày 2/4, OPEC+ đã bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng dầu/ngày. Điều bất ngờ là, tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ được đưa ra trước một ngày cuộc họp sản lượng định kỳ của OPEC+ trong ngày 3/4. Trong bối cảnh thị trường đang kỳ vọng OPEC+ sẽ giữ nguyên mức giảm sản lượng là 2 triệu thùng/ngày trong năm nay.

OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu là do 3 tháng đầu năm nay giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tại thị trường London đã giảm khoảng 5%. Ngay sau động thái cắt giảm sản lượng dầu của tổ chức này, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tại thị trường New York ngày 2/4 có lúc tăng tới 8%.

Giá dầu tăng mạnh đã đẩy áp lực lên đồng USD. Chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt thanh toán quốc tế đã giảm mạnh 0,45% trong phiên đêm qua – rạng sáng nay về mức 102.120 điểm vào lúc 8 giờ 10 phút sáng nay (giờ Hà Nội).

Chuyên gia nhận định, giá dầu tăng mạnh đã khiến thị trường lo ngại lạm phát tiếp tục tăng cao, đẩy các nền kinh tế tiếp tục rơi vào khó khăn. Lo ngại này có cơ sở, bởi hồi đầu năm ngoái khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ, giá dầu tăng vọt, buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh xả dự trữ dầu lửa chiến lược nhằm hạ “nhiệt” thị trường và giảm áp lực lạm phát.

Mặc dù cả Chính phủ Mỹ và Ngân hàng trung ương Mỹ thời gian qua đã nỗ lực đưa ra các biện pháp nhằm giảm lạm phát, nhưng đến nay chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ vẫn cao hơn 6%.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu lửa giao kỳ hạn dài tăng mạnh trong nửa cuối năm nay và năm 2024, điều này phản ánh tiêu cực về việc thắt chặt nguồn cung trong tương lai của OPEC+. Ngay sau động thái của OPEC+, giá xăng giao kỳ hạn tại Mỹ cũng tăng vọt.

Điều này dấy lên lo ngại lạm phát tăng cao trong những tháng tới. Lạm phát tăng, buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại thắt chặt tiền tệ. Trước đó, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư dự báo Fed sẽ không tăng lãi suất thêm kể từ cuộc họp tháng 5 tới.

Tuy nhiên, sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu, giới chuyên gia dự báo Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25% vào tháng 5 tới. Việc tăng lãi suất không chỉ khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất mà còn đặt hệ thống ngân hàng vào tình cảnh rủi ro tăng cao.

Lo ngại rủi ro và đồng USD mất giá, do đó giới đầu tư vào phiên đêm qua – sáng nay (giờ Hà Nội) đã đẩy mạnh gom vàng nhằm phòng ngừa rủi ro cho dòng vốn và kỳ vọng giá kim loại quý sẽ tăng cao khi thị trường bất ổn. Quỹ lớn SPDR phiên ngày 3/4 đã mua ròng 2,02 tấn vàng.