Cụ thể, sáng nay, giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội) giao dịch quanh ngưỡng 1.923 USD/ounce, nhích tăng 2 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trước đó, phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng chốt phiên tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.925 USD/ounce, tăng hơn 3 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng SJC trên thị trường trong nước sáng nay cũng giảm so với chốt phiên trước. Lúc 8 giờ 35 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,1 – 68,75 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 68,1 – 68,77 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,05 - 68,65 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào, nhưng giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,1 – 68,75 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 650.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54,5 – 55,35 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 54,6 – 55,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là thu hẹp còn 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng bật tăng là do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm quay đầu giảm mạnh 1,66% về mức 2,566% vào đầu phiên sáng nay (giờ Hà Nội). Cùng với đó, Mỹ và nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), và Liên minh châu Âu (EU) đang đưa ra các biện pháp áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga nghiêm khác hơn do liên quan tới xung đột tại Ukraine.
Cụ thể, Mỹ sẽ cấm đầu tư mới vào Nga, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm khắc nhất đối với ngân hàng lớn nhất, một số doanh nghiệp nhà nước quan trọng. Mỹ và hơn 30 đồng minh đã và sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế kinh tế đối với Nga với phạm vi rộng nhất trong lịch sử.
Lạm phát tại Nga trong thời gian qua đã tăng vọt trên 15% và dự báo sẽ tăng cao hơn nữa. Hiệu đã có hơn 600 doanh nghiệp khu vực tư nhân đã rời khỏi thị trường Nga. Chuỗi cung ứng ở Nga đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP của Nga năm 2022 sẽ giảm tới 15%.
Mặc dù vậy, nhưng giá trị đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền thanh toán chính vẫn tăng mạnh, khiến giới đầu tư chưa giám đẩy mạnh mua vàng. Chỉ số Dollar-Index, thước đo sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng 0,24% lên 99,670 điểm vào đầu phiên sáng nay.
Chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá vàng thế giới vẫn biến động trong biên độ hẹp để chờ đợi các thông tin kinh tế quý 1/2022 tiếp theo của các quốc gia, khu vực trên thế giới.
Cùng với đó là kết quả đàm phán giữa Nga và Ukraine. Giá vàng trong nước mấy phiên gần đây đang giảm dần chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán, tín hiệu cho thấy thị trường đã hạ “nhiệt” sau một thời gian tăng “nóng”.
Tuy nhiên, giá vàng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng và chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua vàng ở mức quá cao. Khi thị trường có yếu tố gây bất lợi sẽ đẩy giá vàng thế giới chìm sâu, vàng trong nước cũng khó giữ được ở mức giá trên 68 triệu đồng.