Giá vàng hôm nay 7/7: Tiếp tục lao dốc, giới đầu tư bán tháo

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng sáng nay 7/7, trên thị trường thế giới tiếp tục lao dốc phiên thứ 2 liên tiếp. Các thông tin kinh tế từ khu vực châu Âu dấy lên lo ngại lạm phát đang đẩy các nền kinh tế bước vào suy thoái. Giới đầu tư tiếp tục bán tháo vàng chuyển sang nắm giữ tiền.

Giá vàng thế giới và trong nước tiếp tục lao dốc. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới và trong nước tiếp tục lao dốc. Ảnh minh họa.

Sáng nay 7/7, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào giao dịch quanh ngưỡng 1.742 USD/ounce, giảm mạnh 28 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, chốt phiên giao dịch đêm qua – rạng sáng nay tại thị trường Mỹ, giá vàng thế giới giao ngay đứng tại mức 1.739 USD/ounce, giảm mạnh 26 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC sáng nay cũng lao dốc theo thị trường thế giới. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 67,65 – 68,25 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 67,65 – 68,27 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm mạnh 200.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 67,55 – 68,25 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm mạnh 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 67,6 – 68,22 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 180.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 620.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 52,2 – 53,1 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, vàng nhẫn tại Phú Quý đã giảm 600.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Vàng nguyên liệu 9999 của Tập đoàn Doji, niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 51,85 – 52,65 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Đêm qua – rạng sáng nay, thị trường tài chính Mỹ vẫn chứng kiến sự đi lên mạnh mẽ của đồng USD trong giỏ thanh toán quốc tế. Chỉ số Dollar-Index đo lượng sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng 0,53% lên mức 107.04 điểm vào lúc 8 giờ sáng nay (giờ Hà Nội).

Đồng USD tăng mạnh, khiến giới đầu tư tiếp tục bán tháo vàng để nắm giữ tiền do lo ngại suy giảm kinh tế tại Mỹ. Ngày 29/6, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP trong quý 1/2022 đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo hồi tháng Tư giảm 1,4%.

Chuyên gia nhận định, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Nếu GDP tiếp tục suy giảm 2 quý liên tiếp, có thể là những dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ.

Ngày 6/7, cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu đã công bố số liệu bán lẻ tại thị trường khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), dù tổng chi tiêu bán lẻ tăng nhẹ 0,2% trong tháng 5, sau khi giảm 1,4% trong tháng Tư, nhưng doanh số bán thực phẩm, đồ uống và thuốc lá đã giảm 0,3% trong tháng Năm. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp người dân châu Âu thắt chặt chi tiêu ở các mặt hàng thực phẩm, đồ uống.

Chuyên gia nhận định, nếu người dân thắt chặt chi tiêu các mặt hàng thiết yếu, điều này cho thấy một bộ phận người dân đã không còn đủ tài chính chi tiêu cho hàng hóa thiếu yếu khi lạm phát tăng mạnh. Khi chỉ tiêu giảm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải giảm sản xuất và nguồn cung hàng hóa vào thị trường. Điều này chính là mối lo cho kinh tế suy thoái.

Lo ngại sự suy thoái kinh tế đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán kim loại quý. Bởi vàng khó thanh khoản trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, do đó họ tìm đến những đồng tiền ổn định giá và mang tính dự trữ đó là USD và yên Nhật.

Đọc tiếp