Giá vàng hôm nay 8/7: Dự báo kinh tế châu Âu tăng mạnh nhưng vàng vẫn đi lên

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (8/7), giá vàng thế giới tiếp tục tăng, giữ vững mốc 1.800 USD/ounce. Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cao hơn hồi tháng 5. Tuy nhiên, vàng vẫn tăng giá bởi lợi suất trái phiếu Mỹ đi xuống và lạm phát tăng.

 Giá vàng vẫn tăng khi dự báo kinh tế châu Âu tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Chốt phiên tại thị trường Mỹ vào đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng ở mức trên 1.804,8 USD/ounce, tăng hơn 7 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 25 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức trên 1.799 USD/ounce, giảm nhẹ 2 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Sáng nay, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC diễn biến tăng trong biên độ hẹp. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,85 – 57,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,85 – 57,47 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều giữ giá chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Doji trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,75 – 57,25 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng chiều mua vào và giữ giá chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,85 – 57,35 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 500.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51,25 - 51,95 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 51,2 – 52 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Ngày 7/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên 4,8% trong năm 2021 và tăng 4,5% trong năm 2022, cao hơn so với mức dự báo hồi tháng 5 với các mức lần lượt là 4,3% và 4,4%.
EC đã đưa ra mức dự báo lạm phát của Eurozone có thể lên mức 1,9% trong năm 2021, cao hơn mức 1,7% đưa ra dự báo trước đó. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đặc mục tiêu giữ lạm phát của Eurozone dưới mức 2%. Tuy nhiên, EC cũng cảnh báo lạm phát có thể cao hơn dự báo nếu hạn chế nguồn cung hàng hóa do dịch bệnh.
Cơ quan này đã hối thúc các nước trong khu vực đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm khống chế dịch bệnh, nhất là các biến thể mới lây lan nhanh để thúc đẩy kinh tế phục hồi.
Mặc dù, dự báo kinh tế tăng trưởng mạnh của EC, nhưng vàng vẫn tăng giá. Nhà đầu tư lo ngại lạm phát gia tăng khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, nhất là biến thể mới DELTA đang lây lan nhanh. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có xu hướng giảm xuống mức thấp nhất gần hai tuần đã giúp nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo, ECB đang thảo luận về chương trình mua trái phiếu trị giá 1,85 nghìn tỷ Euro (tương đương 2,2 nghìn tỷ USD) trong thời gian qua để hỗ trợ các DN đối phó với dịch bệnh. Nhưng tới đây, ECB hạn chế mua khối lượng trái phiếu kể trên thì lượng tiền cung vào thị trường giảm, sẽ hạn chế lạm phát, gây áp lực lên giá vàng có thể giảm.