Giá vàng hôm nay 9/8: Thị trường thế giới bật tăng mạnh

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng nay 9/8, trên thị trường quốc tế bật tăng mạnh so với phiên trước khi cảnh báo châu Âu sớm rơi vào suy thoái kinh tế.

Giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Sáng nay (9/8), lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.785 USD/ounce, tăng mạnh hơn 11 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, chốt phiên tại thị trường Mỹ đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng tại mức 1.788 USD, tăng hơn 13 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC sáng nay cũng tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,4 - 67,4 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,4 - 67,42 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 1 triệu đồng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 66,35 - 67,35 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch 2 chiều mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 66,4 - 67,4 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 52,5 - 53,3 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Vàng nguyên liệu 9999 của Tập đoàn Doji, niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 52,3 - 53,1 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Mới đây, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho rằng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế do cuộc xung đột Ukraine và Nga. Mặt khác, nó còn gây bất lợi cho mối đoàn kết trong Liên minh châu Âu.

Việc EU sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế cũng đang được các tổ chức đưa ra phân tích cảnh báo khi giá cả hàng hóa leo thang. Mới đây, Cơ quan Thống kê châu Âu cho biết, Cộng hòa Séc đang đứng đầu EU về tốc độ tăng giá bột mỳ tới gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng sau là các loại hàng hóa thiết yếu khác như dầu ăn, đường, sữa, xăng dầu tăng từ 37,4 - 55,8% so với cùng kỳ.

Giá các hàng hóa khác như giày dép, vật liệu xây dựng, điện thoại… cũng tăng gần 10% đến trên 21%. Việc giá hàng hóa tăng ở khu vực châu Âu sẽ khiến cho các doanh nghiệp gặp khó trong đầu tư phát triển sản xuất, có thể phải thu hẹp quy mô do giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đó hàng hóa bán ra chậm do người dân thắt chặt chi tiêu. Dự báo kinh tế châu Âu sớm rơi vào suy thoái đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh mua vàng đề phòng ngừa rủi ro.

Tuy nhiên, thị trường tài chính toàn cầu đang dồn tâm điểm vào 2 số liệu của Mỹ là chỉ số lạm phát (CPI) và chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào thứ Tư và Thứ Năm tuần này. Thị trường đang dự đoán CPI tháng 7 của Mỹ dự kiến tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức của tháng 6 tăng 9,1%.

Nếu chỉ số CPI và PPI tăng mạnh hơn dự kiến và kỳ trước, chắc chắn Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng thêm 0,75% lãi suất trong cuộc họp tới vào tháng 9 tới. Ngược lại, nếu CPI tháng 7 ở mức như dự báo hoặc thấp hơn dự báo Fed sẽ xem xét lại mức tăng lãi suất thấp hơn mức 0,75%.

Cùng với đó, ngày 8/8, thị trường đã đón nhận thông tin tích cực từ nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Đó là, kim ngạch xuất siêu tại Trung Quốc tháng 7 đã tăng lên đạt 101 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021, là tháng xuất khẩu tăng mạnh nhất từ đầu năm 2022 trở lại đây. Tính ra, Trung Quốc xuất siêu 7 tháng đạt 466 tỷ USD. Các thị trường tăng xuất khẩu mạnh nhất của Trung Quốc là Mỹ, châu Âu và châu Á.

Số liệu xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, không chỉ có quốc gia này hưởng lợi mà các nước Mỹ, châu Á, châu Âu cũng giải tỏa dần “cơn khát” hàng hóa, khi chuỗi cung ứng đứt gãy do dịch bệnh. Các khu vực kể trên sẽ giảm áp lực lạm phát khi hàng hóa được lưu thông.

Chuyên gia nhận định, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, có thể giúp lạm phát của Mỹ giảm như dự báo. Khi Fed giảm mức tăng lãi suất đồng USD sẽ giúp cho thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ và vàng là tải sản đảm bảo không sinh lời sẽ quay đầu giảm mạnh. Theo khuyến cáo của chuyên gia, nhà đầu tư nên quan sát kỹ diễn biến của thị trường để có quyết định đúng, kịp thời trong đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần