Giá vàng ngày 12/3: Biến động mạnh và vẫn còn cơ hội đi lên

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (12/3), giá vàng thế giới đảo chiều giảm khi Nga đưa ra yêu cầu đối với các nước phương Tây để chấm dứt chiến sự tại Ukraine. Chuyên gia nhận định, giá vàng vẫn còn cơ hội đi lên khi các nền kinh tế đang chật vật với lạm phát.

Giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng

Sáng nay (12/3), lúc 8 giờ (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.988 USD/ounce, giảm hơn 10 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng chốt phiên tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.988 USD/ounce, giảm hơn 9 USD so với chốt phiên trước đó.

Giá vàng thế giới đảo chiều giảm là do Nga đưa ra yêu cầu để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, rằng các nước phương Tây thực hiện hành động giải tỏa những lo ngại mà Moskva liên tục nêu rõ về việc dân thường ở miền Đông Ukraine bị giết hại; Đồng thời, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nêu rõ quan điểm của Nga, cho rằng Ukraine đang thảo luận về các yêu cầu của Moskva với Mỹ và các đồng minh khác.

Giới đầu tư đã chốt lời vàng sớm, đẩy giá kim loại quý đi xuống và chờ đợi những diễn biến mới sau 2 ngày cuối tuần. Tuần qua, giá vàng thế giới đã biến động mạnh, có lúc bật tăng lên 2.050 USD/ounce vào ngày 9/3. Nhưng rồi phiên sau đó đã rơi tự do mất đến trên 70 USD/ounce, về dưới vùng giá 2.000 USD/ounce. So với giá chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng thế giới vẫn tăng 17 USD/ounce trong tuần qua.

Giá vàng thế giới còn trong xu hướng tăng. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới còn trong xu hướng tăng. Ảnh minh họa.

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong tuần qua là do các nước phương Tây gia tăng lệnh trừng phát vào Nga và thu hồi các máy bay cho Nga thuê. Còn Nga cũng tạm ngừng xuất khẩu 200 mặt hàng, nhiều mặt hàng ngừng xuất khẩu vào châu Âu, khi các nước này áp lệnh trừng phạt lên Nga. Cùng với đó là lạm phát tại Mỹ và châu Âu tăng cao.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 phiên giá vàng thể giới đã lao dốc không phanh vào ngày 10/3, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine sẵn sàng thỏa hiệp từng phần với Nga để chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Chuyên gia nhận định, giá vàng hiện tại sẽ diễn biến quanh vùng 2.000 USD/ounce cho đến khi có những diễn biến thật sự rõ ràng về lối đi cho căng thẳng Nga - Ukraine.Hiện còn quá sớm để tin rằng chiến sự tại Ukraine sẽ chấm dứt trong một ngày gần nhất, cho nên việc giảm giá chỉ là nhà đầu tư chốt lời.

Chuyên gia cho rằng, giá vàng vẫn còn xu hướng đi lên, bởi chiến sự tại Ukraine chưa thể chấm dứt một sớm, một chiều. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở trong “cơn lốc” của lạm phát. Ngày 10/3, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Lạm phát tiếp tục gia tăng, trong khi đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ không đạt được như mong muốn, bởi giá nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào tăng cao do bị ảnh hưởng trực tiếp từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan tới tình hình Ukraine. Giá nhiên liệu và vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, có thể khiến các nền kinh tế Mỹ và châu Âu khó khăn chống chọi với lạm phát mà còn rơi vào suy thoái kinh tế. Khi kinh tế suy thoái sẽ là môi trường cho giá vàng tăng bền vững.

Giá vàng trong nước bất thường

Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước nơi đi ngang, nơi bật tăng so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,4 – 70,2 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 68,4 – 70,22 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đi nhang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, các thị trường trên đã tăng mạnh 500.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán ra. Chênh lệch mua - bán là 1,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,4 – 70,2 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã tăng đến 900.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 2,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,4 – 70,2 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên hôm qua, đơn vị này đã tăng đến 1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 1,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,75 – 57,05 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,3 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 55,6 - 57 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,4 triệu đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng SJC trong 2 phiên đầu tuần mở cửa điều chỉnh theo xu hướng thế giới. Tuy nhiên, trong 3 phiên giữa tuần, giá vàng SJC đã điều chỉnh một mình một kiểu, có khi giảm đến gần 4 triệu đồng chỉ trong buổi chiều, nhưng lại tăng hơn 2 triệu động ngay khi mở cửa phiên ngày hôm sau đó. Chênh lệch giá được đẩy giãn ra lên đến hơn 2 triệu đồng chiều mua vào và chiều bán ra mỗi lượng vàng. So với mức giá đỉnh cao nhất trong tuần, giá vàng SJC đã giảm khoảng 3,3 triệu đồng/lượng.

Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng SJC đang rất bất thường. Có khi giá vàng SJC đã cao hơn giá vàng thế giới tới 17 triệu đồng/lượng. Chênh lệch lớn với giá thế giới và chênh lệch lớn giá 2 chiều mua – bán. Cùng với đó, là sự đột ngột tăng giá, và đột ngột giảm sâu, do đó nếu nhà đầu tư nhỏ lẻ và người dân mua vàng trong thời điểm này đều gặp rủi ro cao và khó tìm kiếm lợi nhuận.