Giá vàng ngày 16/3: Tiếp tục lao dốc khi Fed mới họp ngày đầu tiên

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (16/3), giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới họp ngày đầu tiên. Nga và Ukraine vẫn đang tiến hành vòng đàm phán thứ 4 qua hình thức trực tuyến.

Giá vàng thế giới và trong nước cùng lao dốc. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới và trong nước cùng lao dốc. Ảnh minh họa.

Sáng nay (16/3), lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.920 USD/ounce, giảm hơn 23 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng chốt phiên tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.918 USD/ounce, giảm hơn 32 USD so với chốt phiên trước đó.

Giá vàng SJC trên thị trường trong nước cũng giảm mạnh so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 67,1 – 68,4 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 67,1 – 68,42 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều giảm 300.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 67 – 68,3 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào, nhưng tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán thu hẹp từ 1,4 triệu đồng xuống 1,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 66,9 – 68,2 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán thu hẹp từ 2 triệu đồng, xuống còn 1,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55 – 56,2 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,2 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 55 – 56,2 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã giảm 600.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 1,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giảm mạnh là do giá dầu đêm qua (giờ Hà Nội) tiếp tục giảm sâu xuống còn 96 USD.

Chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến cả 2 loại hàng hóa này cùng giảm giá mạnh là do Nga và Ukraine tiếp tục vòng đàm phán thứ 4 về lệnh ngừng bắn, rút quân và đảm bảo an ninh. Cả Nga và Ukraine đều cho biết, hai bên mặc dù có những khó khăn trong thảo luận, nhưng đã có những tiến triển hiếm có vào cuối tuần.

Còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/3 đã tuyên bố nước này sẽ không trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những thông tin kể trên, giới đầu tư cho rằng Nga và Ukraine sẽ thỏa thuận sớm đạt được kỳ vọng mà 2 bên đưa ra để đảm bảo an ninh cho cả 2 nước và khu vực. Do đó kim loại quý có vai trò phòng ngừa rủi ro tiếp tục bị bán chốt lời.

Cùng với đó, đêm nay rạng sáng mai (giờ Hà Nội) cuộc họp của Fed sẽ kết thúc. Dự báo nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất chuẩn thêm 0,25% vào tháng 4 này và sẽ có 7 lần nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.Trước khi lãi suất tăng, thì lợi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh lên trên ngưỡng 2,12%/năm, chạm mức cao nhất kể từ tháng 7/2019.

Tâm lý về rủi ro được thu hẹp, lợi suất trái phiếu tăng đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán vàng nhằm chuyển hướng đầu tư sang tài sản sinh lời.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhận định, giá vàng chưa hết cơ hội đi lên. Bởi, Nga đã quyết định trừng phạt Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Canada và nhiều quan chức hai nước này. Đồng thời, Nga chính thức rời Hội đồng châu Âu nhằm đáp lại sự thù địch thái quá của chính quyền Mỹ và Canada hiện thời. Còn Trung Quốc với chính sách “không Covid” đang mở rộng các thành phố bị phong tỏa, trong đó có Hong Kong. Với những căng thẳng leo thang và sự đóng cửa nhiều thành phố của Trung Quốc như hiện nay, các quốc tiếp tục bị tổn thương do đứt gãy chuỗi hàng hóa cung ứng, đẩy lạm phát tăng cao.