Giá vàng ngày 4/3: Tăng mạnh khi OPEC+ giữ nguyên sản lượng dầu mỏ

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (4/3), giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh dù Nga và Ukraine đã bước vào vòng đàm phán lần thứ hai. Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng nhất vẫn là OPEC+ giữ nguyên sản lượng sản xuất dầu mỏ theo kế hoạch, bất chấp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn.

Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng mạnh. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Chốt phiên đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại Mỹ đảo chiều tăng lên mức 1.936 USD/ounce, tăng hơn 7 USD so với chốt phiên trước.

Ngay đầu phiên sáng 3/3, lúc 8 giờ (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.949 USD/ounce, tăng hơn 23 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm sáng qua, và tăng hơn 13 USD/ounce so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.

Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước cũng tăng mạnh so với mức chốt phiên hôm qua. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,8 - 67,55 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 66,8 - 67,57 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 750.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 65,85 - 67,35 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 650.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 1,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 66,5 - 67,5 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54,8 - 55,7 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 54,7 - 55,6 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.

Mặc dù cả Nga và Ukraine đã ngồi vào đàm phán lần thứ 2, thảo luận để đạt một thỏa thuận ngừng bắn và hành lang nhân đạo. Tuy nhiên, sức “nóng” của thị trường hiện nay nằm ở giá dầu. Mặc dù, đêm qua (giờ Hà Nội) tại thị trường Mỹ cả dầu Brent và WTI đã đồng loạt xuống  dốc, mất giá hơn 1% khi vòng đàm phán Nga và Ukraine được tiến hành. Nhưng giới chuyên gia nhận định, giá dầu chưa có lối thoát rõ ràng, khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) ngày 2/3 vẫn quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/ngày vào tháng 4 tới, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục thời gian gần đây bởi nguồn cung thiếu hụt từ Nga.

Theo chuyên gia, giá năng lượng tăng cùng với lệnh cấm của Mỹ đối với vận tải biển đi và đến Nga đang đẩy giá vận tải leo thang, và giá hàng hóa trên thị trường thế giới cũng vì thế tăng mạnh tới đây. Điều này khiến lạm phát sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Có khá nhiều yếu tố rủi ro rình rập trên thị trường, do đó giới đầu tư vẫn tìm đến vàng để bảo toàn vốn và tìm cơ hội lợi nhuận từ kim loại quý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần