8 phiên tăng giá liên tiếp
Đây là phiên tăng giá mạnh thứ 8 liên tiếp của vàng SJC trong sóng tăng đột biến này. Tính chung cả tuần qua, giá vàng SJC tăng 2,1 triệu đồng được niêm yết giá mua vào 60,15 triệu đồng/lượng- bán ra 60,87 triệu đồng/lượng; Giá vàng Doji tăng tròn 2 triệu; Giá vàng Rồng Thăng Long tăng 1,43 triệu đồng.
Ảnh minh hoạ |
Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch thứ 2 của tháng 11 với phiên tăng nhẹ 3,3 USD, đóng cửa ở 1.865,2 USD/ounce. Như vậy, tính trong tuần này, giá vàng thế giới chỉ giữ xu hướng đi lên với mức tăng 48,1 USD, tương đương 2,65% giá trị. Đúng với dự báo của các chuyên gia cuối tuần trước, diễn biến của giá vàng tuần này là phản ứng của thị trường trước tình trạng lạm phát tăng cao trên toàn thế giới. Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tháng 10 đã tăng rất mạnh, tăng cao nhất trong 31 năm, với nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao trong năm 2022. Nếu với đà tăng này, chỉ cần thêm mấy nhịp điều chỉnh là giá vàng có thể đạt đỉnh 62 triệu đồng/lượng mà thị trường ghi nhận vào tháng 8/2020.
Giới chuyên gia nhận định, giá cả tại Mỹ đang chịu nhiều áp lực từ nhu cầu cao của người tiêu dùng, kết hợp với tình trạng thiếu công nhân và những khó khăn trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho biết, cho đến khi các chuỗi cung ứng hồi phục thì áp lực tăng giá vẫn tiếp tục và điều này sẽ hỗ trợ giá vàng.
Các nhà đầu tư bắt đầu có niềm tin rằng mốc 1.900 USD của giá vàng sẽ đạt được trong tầm tay, sau đó sẽ là những mốc cao hơn nữa.
Giao dịch trầm lắng, người bán là chủ yếu
Mặc dù giá vàng tăng mạnh và vượt ngưỡng 60 triệu đồng/lượng, song không khí mua bán khá trầm lắng. Tại "phố vàng" Trần Nhân Tông (Hà Nội), lượng người đến giao dịch tại các tiệm vàng khá vắng vẻ. Theo chia sẻ của một số chủ tiệm kim hoàn, giao dịch chủ yếu là khách hàng bán ra chốt lời. Còn với lượng mua vào thời điểm này rất ít. Tốc độ tăng của giá vàng trong nước thậm chí đang nhanh hơn cả giá vàng thế giới, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-quốc tế bị kéo giãn lên tới 9,5 triệu đồng/lượng.
Đại diện một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, lượng khách mua vàng để đầu cơ, chờ cuối năm tăng giá là không có, chỉ lác đác người mua trang sức, hay bán một lượng nhỏ để chốt lời. Các cửa hàng chủ yếu neo giá ở mức cao để giữ giá, chứ không có giao dịch, bởi nếu mua ở mức giá hiện nay sẽ rất rủi ro. Mức giá hiện tại cũng không phản ánh hết được diễn biến thường có của thị trường là cầu mua cao hơn lực bán sẽ đẩy giá tăng mạnh.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, hiện tại không phải thời điểm mua đầu cơ vì rủi ro rất lớn do giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều. Chênh lệch giá giữa hai thị trường lên tới 8-9 triệu đồng/lượng từ nhiều tháng nay, thậm chí có thời điểm lên mức 9,5 triệu đồng/lượng. Trong đó, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng 51,5 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước vẫn đang phải trả mức giá cao hơn 18,3% để sở hữu cùng một lượng vàng so với thế giới. Nếu mua vào, người mua sẽ phải trả với mức giá đắt hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu giá đảo chiều. Hơn nữa, thời gian qua, giá vàng đã neo ở mức cao, nên khả năng tăng chứ không thể tăng mạnh, bứt phá như trước đây. Người mua có thể đối mặt với rủi ro về việc giá vàng thế giới đổi chiều và lực bán ra tăng. Khi đó, người nắm giữ vàng sẽ tăng bán ra khiến cho giá vàng trong nước giảm nhanh so với mức giảm của giá vàng thế giới.
“Đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư với khối lượng tiền lớn, bởi mức giá chênh với thế giới là rất cao. Người dân cần ý thức thời điểm này nếu mua vào sẽ rất rủi ro, không nên đầu tư quá lớn và tập trung nhiều vào vàng”- TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
Khoảng cách mua vào – bán ra cũng được các DN nới rộng nhưng vẫn dưới 1 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với các đợt tăng “nóng” trước kia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khoảng cách giữa giá mua vào và hiện nay vẫn rất cao, nhà đầu tư lướt sóng giai đoạn này vẫn đối mặt với rủi ro lớn.
Ngày 13/11, giá USD tại các ngân hàng dao động ở mức 22.730 đồng/USD (bán ra) và 22.530 đồng/USD (mua vào). Tuy nhiên, giá USD tự do bán ra là 23.380 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra 23.430 đồng/USD. Hiện, nguồn cung USD trong ngân hàng rất dồi dào. Giới chuyên môn cho rằng, việc giá USD tự do tăng có thể do giới kinh doanh gom USD để nhập vàng qua đường biên mậu.