Thị trường thế giới nhiều biến động:

Giá vàng SJC sẽ vượt 70 triệu đồng/lượng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến sự Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, gây bất lợi lớn cho thị trường tài chính và giá vàng vẫn tiếp tục "căng" theo. Giá vàng thể giới có thể tăng vượt 2.000 USD/ounce khi ấy vàng SJC (luôn cao hơn thế giới) sẽ nhanh chóng vượt mốc 70 triệu đồng/lượng.

Vàng liên tiếp lập đỉnh mới

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đạt mức 1.972 USD/ounce, tăng tới 71 USD/ounce so với chốt phiên tuần trước. Tính chung cả tuần, giá đã tăng tới 4,2%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 7/2020.

Giá vàng miếng trong nước cũng lập đỉnh cao lịch sử mới và tiếp tục chênh lệch “khủng” so với giá vàng thế giới quy đổi. Chốt phiên giao dịch tuần, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 68-69,32 triệu đồng/lượng. Vàng DOJI niêm yết ở mức 68-69,5 triệu đồng/lượng. Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 68-69,3 triệu đồng/lượng.

Cùng là vàng 9999, vàng SJC cao hơn vàng nhẫn các loại 13 triệu đồng/lượng
Cùng là vàng 9999, vàng SJC cao hơn vàng nhẫn các loại 13 triệu đồng/lượng

Như vậy, chỉ trong hai ngày 4 và 5/3, giá vàng trong nước liên tục cán mốc 67 - 68 - 69 triệu đồng/lượng. Với mức tăng "nóng" này, giá vàng đã tăng 3,2 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 5% trong tuần qua. Đây là mức cao nhất của giá vàng SJC trong lịch sử, liên tiếp phá những vùng đỉnh mới đã được lập chỉ trong thời gian ngắn. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn 13,6 triệu đồng/lượng. Đồng thời, biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng cũng được doanh nghiệp giãn rộng lên tới 1,3-1,5 triệu đồng/lượng.

Căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine là lý do đẩy giá vàng thế giới vượt đỉnh lịch sử và lập kỷ lục mới. Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank nhận định: "Sự tăng giá này không chỉ do nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn, một nhu cầu lúc tăng lúc giảm, mà quan trọng hơn xuất phát từ mối lo rằng căng thẳng địa chính trị sẽ đẩy cao lạm phát, kéo lùi tăng trưởng, và làm suy yếu kỳ vọng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương”.

Giá vàng thế giới từ mức 1.800 USD/ounce đã nhanh chóng vọt lên 1.900 USD/ounce và có thời điểm tiến sát mốc 2.000 USD/ounce. Theo dự báo của Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, nếu chiến sự Nga - Ukraine chưa lắng dịu, giá vàng sẽ còn tăng lên mức cao trong thời gian tới. Cùng với đó là áp lực lạm phát thế giới tăng, nhất là lạm phát ở Mỹ.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nếu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine càng kéo dài nó sẽ tác động sâu sắc đến hàng loạt các thị trường hàng hoá, đặc biệt giá dầu có thể luôn duy trì ở mức cao. Giá năng lượng càng cao, lạm phát càng kéo dài. Điều này giúp duy trì động lực cho giá vàng tăng mạnh.

"Với nhiều dự đoán giá vàng sẽ vượt trên 2.000 USD/ounce, trong khi thị trường vàng trong nước luôn duy trì trạng thái độc quyền và neo giá chênh lệch rất cao so với vàng thế giới. Do đó, mỗi bước tăng giá vàng thế giới sẽ đẩy giá vàng trong nước lên rất cao. Tôi dự đoán trong thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ bị đẩy lên 70 triệu đồng/lượng nếu giá vàng thế giới vượt mức kỷ lục năm 2020 là 2.070 USD/ounce"- ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Vàng trong nước tăng, giảm tùy tiện

Khủng hoảng Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn, dù vậy, rủi ro khi mua ở mức cao cũng khiến các nhà đầu tư vàng cân não trước câu hỏi có nên mua vào hay không ở thời điểm này. Trên các diễn đàn mua bán, đầu tư vàng, một số người đang vay vàng từ người thân bày tỏ lo lắng khi giá vàng liên tục tăng vọt từ đầu năm đến nay. Nhiều người khác tiếc nuối vì trót bán vàng ở vùng 64-65 triệu đồng/lượng vì cho rằng vùng giá này đã là mức đỉnh của vàng SJC.

Tuy nhiên, việc rót vốn vào vàng SJC trong thời điểm hiện nay ở thị trường trong nước lại được giới chuyên gia khuyến nghị là không nên quá mạo hiểm. Phân tích có thể thấy, chỉ giá vàng SJC là tăng mạnh kỷ lục. Trong cùng một phiên giao dịch, vàng miếng SJC đồng loạt được các doanh nghiệp tăng giá lên rất cao từ 1,2 triệu - 1,5 triệu đồng/lượng. Trong khi nhẫn tròn trơn 999,9 các loại vẫn ổn định quanh 55,31 triệu đồng/lượng mua vào, 56,25 triệu đồng/lượng bán ra.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn từ 13,6 triệu đồng/lượng trong khi đó giá vàng nhẫn 9999 chỉ cao hơn 1,49 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC hiện đang cao hơn giá vàng trang sức tới 13 triệu đồng/lượng, cũng là mức chênh lệch kỷ lục.

 

Không nên đầu cơ, lướt sóng

Trong bối cảnh hiện nay, nếu nhà đầu tư có ý định “lướt sóng vàng”, sẽ khó tránh được rủi ro. Vàng miếng SJC không những quá cao so với thế giới, còn thêm một rủi ro lớn nữa là chênh lệch giữa giá mua - giá bán rất cao, có thời điểm lên đến hàng triệu đồng/lượng. Quan trọng hơn, biên độ này nằm trong tay các công ty kinh doanh vàng tùy ý điều chỉnh miễn là có lợi nhất cho họ. Thế nên, ngay cả đón đúng hướng sóng, sáng mua giá giảm, nhà đầu tư cũng không thể "làm bàn" khi trưa hay chiều hôm đó giá vàng vụt tăng. - Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh.

Đáng chú ý, mức chênh lệch giá mua - bán vàng có xu hướng ngày càng tăng. Đầu tuần, khoảng cách giữa mua - bán khoảng 1 triệu đồng/lượng, đến giữa tuần tăng lên 1,2 triệu đồng/lượng và đến cuối tuần chạm ngưỡng 1,5 triệu đồng/lượng.  Đây là mức chênh lệch thường diễn ra trong những thời điểm giá vàng tăng nóng và "nhà vàng" kéo giãn mức chênh giá mua vào - bán ra để phòng rủi ro.

Anh Nguyễn Minh Trung (ở Kim Ngưu, Hà Nội) cho biết, thấy giá cao anh bán ra 1 lượng vàng mua từ giữa tuần, rồi chờ giá xuống thấp mua lại. “Với biên độ giá mua - bán các DN neo cao vậy thì khó quá. Tôi được DN thu mua giá 68 triệu đồng/lượng nhưng giá DN bán ra lên tới 69,5 triệu đồng/lượng. Vậy tôi phải chờ khi nào giá bán ra xuống thêm 2 triệu đồng nữa mới mua vào được, tính ra cũng không lời bao nhiêu, lại rủi ro" - anh Trung băn khoăn.

Nhà đầu tư có thể đối mặt với nhiều rủi ro, khi biên độ mua vào/bán ra là tương đối rộng. Mức chênh lệch mua vào - bán ra hiện nay được các đơn vị kinh doanh vàng trong nước quy định. Giới chuyên gia cho biết, mức chênh lệch an toàn cho người mua vàng là dưới 300.000 đồng/lượng.

Chưa kể, giá vàng miếng trong nước thường “tăng nhanh, giảm chậm”. Khi giá thế giới lên, giá vàng SJC cũng đẩy lên rất cao, nhưng tốc độ giảm giá của vàng trong nước không theo kịp nên vẫn đang đắt hơn vàng thế giới tới 13,35 triệu đồng/lượng, tương ứng 25,4%. Ngoại trừ yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận xét, vàng trong nước biến động bất thường, tùy tiện, không có cơ sở như hiện nay nên việc mua vào là đầy rủi ro. Với giá vàng SJC cao hơn thế giới 25,4% như hiện nay, người dân phải mua vàng với mức giá “đắt đỏ”. Nhà đầu tư cá nhân không nên mua vàng nhất là trong 1 tuần tới. Đặc biệt, không nên sử dụng tiền vay để mua vàng hoặc chỉ nắm giữ hầu hết là vàng trong danh mục đầu tư của mình.

Ông Phan Dũng Khánh cũng cảnh báo, việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới hơn 20% và thậm chí lên 25% nếu kéo dài sẽ là nguy cơ cho việc buôn lậu vàng diễn ra.