Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng tăng mạnh nhất trong 10 năm qua

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khép lại năm 2020, giá vàng thế giới đã có một năm tăng đầy ấn tượng, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Dự báo, năm 2021 giá vàng vẫn còn triển vọng, nhưng cũng khá nhiều rủi ro.

Tăng 24% trong năm 2020
Đứng phiên cuối cùng của năm 2020 để bước vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ có mức tăng 6 USD, lên mốc 1.901 USD/ounce.
Nhìn lại năm 2020 là năm đầy biến động. Đầu năm dịch bệnh Covid-19 phát triển mạnh ở Trung Quốc và lây lan nhanh sang các nước khác, gây rủi ro tác động đến nhiều nền kinh tế trên toàn cầu. Cùng với dịch bệnh khiến cho nhiều nước phải thực hiện giãn cách xã hội nhiều thời gian làm cho kinh tế giảm sút. Tiếp đến, yếu tố khiến cho thị trường gia tăng rủi ro đó là cuộc bầu cử tại Mỹ gây tranh cãi và hậu Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu kéo dài thời gian đàm phán. Bên cạnh đó lũ lụt hoành hành tại Trung Quốc nhiều tháng tác động đến đời sống, phát triển kinh tế của nhiều tỉnh, thành phố của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.
Có những thời điểm, giá vàng thế giới đã leo lên mức trên mốc 2.075 USD/ounce, tăng đến 43% đạt đỉnh vào đầu tháng 8 năm 2020. Cũng tại thời điểm này, giá vàng SJC trong nước đã lên mức kỷ lục cao nhất, trên 63 triệu đồng/lượng.
 Giá vàng tăng cao nhất trong 10 năm qua. Ảnh minh họa.

Kể từ cuối tháng 8 trở đi, khi dịch bệnh ở một số nước được kiểm soát trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời các nước tại châu Âu, Mỹ đã đưa ra những gói kích thích kinh tế, hỗ trợ người dân hạn chế dịch bệnh, phát triển kinh tế đã giúp cho giá vàng dần đi xuống.
Nhà đầu tư tài chính đã chuyển dần dòng vốn từ trú ẩn trong vàng sang đầu tư chứng khoán. Mặc dù vậy, kết thúc năm 2020 giá vàng đã tăng hơn 24% so với năm 2019, cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.
Triển vọng năm 2021
Nửa đầu tháng 11/2020, giá vàng thế giới đã có lúc giảm về sát mốc 1.800 USD/ounce, thế nhưng những ngày cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 lại gia tăng với biến thể mới chủng Covid-19 khiến nhiều nước lại thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Sự lây lan của chủng virus mới làm cho nhà đầu tư lo ngại rủi ro tăng trên thị trường, làm lu mờ những tiến bộ trong nghiên cứu thành công vaccine. Do còn nhiều yếu tố rủi ro tác động đến các nền kinh tế, trong đó dịch bệnh, chuyển giao quyền lực trong chính quyền Mỹ, chính sách nới lỏng tiền tệ ở các quốc gia… nhiều chuyên gia vẫn nhận định thị trường vàng năm 2021 rất lạc quan
Cụ thể, nếu dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát, các gói kích thích kinh tế được triển khai ở các nước châu Âu và Mỹ sẽ làm các đồng tiền mạnh trong giỏ thanh toán yếu đi, trong đó có USD. Việc chi tiêu của chính phủ gia tăng đẩy lạm phát tăng, lãi suất thấp khiến cho thị trường thêm rủi ro nếu dòng tiền chảy vào nều kinh tế không hiệu quả. Nhiều chuyên gia nhận định, với mức phát triển của dịch bệnh như hiện nay, vàng thế giới có thể lập kỷ lục vào quý 1/2021, lên trên mức 2.300 USD/ounce.
Tuy nhiên, cũng phải xem xét tới yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vàng đó là, dữ liệu kinh tế của Mỹ cho thấy sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tốt lên. Sau khi có vaccine tiêm chủng mở rộng, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã lạc quan cho biết, nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát thành công, Fed có khả năng sẽ thay đổi kế hoạch lãi suất sớm hơn.
Điều này được hiểu, Fed có thể bắt đầu chuẩn bị rút lại chương trình mua trái phiếu nhằm thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát. Nếu điều này diễn ra thì sức mạnh của đồng USD sẽ tăng trở lại, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng.
Dự báo của chuyên gia, khả năng từ quý 2/2021 các yếu tố hỗ trợ vàng sẽ giảm. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng những chính sách của các chính phủ để có quyết định đầu tư hay thoái vốn khỏi vàng, tránh rủi ro.