Giá thép tăng 5 lần trong 1 tháng
Ông Vũ Văn Hưởng hiện có 1 căn nhà đang xây tại đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cho hay, với giá thép tăng nhanh, căn nhà 3 tầng của gia đình ông đang bị đội chi phí lên rất nhiều lần.
"Công trình của tôi cần thêm hơn 20 tấn thép để hoàn thiện, nhưng chỉ trong khoảng 1 tháng vừa qua giá thép liên tục tăng khiến chi phí xây dựng đã "đội giá" lên hơn 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn chưa tính cả phần tiền về xi măng, cát sỏi cũng đã điều chỉnh lại giá..." - ông Hưởng cho hay.
Từ đầu tháng 3/2022 đến nay, các hãng thép đã có ít nhất 5 lần điều chỉnh giá. Mới đây nhất, giá thép cây và thép cuộn xây dựng tăng khiến một số hãng thép vượt ngưỡng 19 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân cho việc điều chỉnh được các hãng thép thông báo là do giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Anh Phan Anh, chủ đại lý thép tại Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết, với mức tăng như vừa qua, giá thép bán ra thị trường đã chạm 21 triệu đồng/tấn. Dù giá thép tăng nhưng các cửa hàng cũng không thể lấy thêm hàng với số lượng lớn do khó có thể tiêu thụ tại thời điểm này.
"Giá nguyên liệu sản xuất thép cùng với căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine diễn biến khó lường khiến giá thép chưa thể trở lại mặt bằng giá thấp hơn. Chưa kể còn cộng thêm một phần chi phí vận chuyển tăng cao" - anh Phan Anh cho hay.
Ông chủ đại lý này phân tích thêm, nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% cho nhu cầu sản xuất của các DN nên giá thép tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới. Hiện tại, tất cả đại lý khó có thể dự đoán được giá thép sẽ tiếp tục tăng hay quay đầu giảm như năm trước.
Bên cạnh đó, không chỉ thép, các mặt hàng như xi măng, nhôm kính, gỗ, nhựa đến thạch cao, điện đèn, gạch, thiết bị vệ sinh... đều tăng từ 10 - 25% tùy nhóm hàng. Thậm chí, một số nguyên vật liệu dù đã đặt hàng nhưng chưa thanh toán trước cũng bị hủy ngang vì thiếu hụt nguồn cung.
Doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí
Với tình hình giá nguyên vật liệu hiện nay, bản thân DN xây dựng cũng chỉ biết nhập vào tháng nào sẽ điều chỉnh giá bán ra tương ứng; nhiều giải pháp được đưa ra nhằm cố gắng tiết kiệm chi phí.
Ông Trần Hồng Phúc - Tổng Giám đốc Phục Hưng Holdings cho biết, giá nguyên vật liệu tăng là một vấn đề lớn trên thị trường hiện tại. Đây là 1 trong 5 loại chi phí tác động đến giá của sản phẩm bất động sản, trong đó riêng chi phí sắt thép chiếm 15 - 20%, còn lại chi phí đất, xây dựng, quản lý và lợi nhuận của DN.
"Việc giá xăng tăng liên tục đã làm cho giá nhân công cũng như các loại vật tư khác tăng theo. Trong chi phí xây dựng 1m2 căn hộ thì vật liệu xây dựng chiếm khoảng 60%, nên giá vật liệu xây dựng tăng bao nhiêu, giá thành căn hộ sẽ tăng tương ứng. Trước tình cảnh này, nhiều nhà thầu xin điều chỉnh lại giá hoặc xin hỗ trợ giá nếu đã ký tổng thầu" - ông Trần Hồng Phúc cho hay.
Theo ông Đỗ Hoài Nam - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Anco, hiện nay, để đối phó với việc tăng cao của giá thép nói riêng và giá vật liệu xây dựng nói chung, giải pháp được các nhà thầu nêu ra đó chính là tăng cường nhân lực, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành phần khối lượng đã đăng ký hoặc ký kết từ trước, tránh kéo dài sẽ bị chịu thiệt hại lớn.
"Tuy nhiên, các DN cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp bù giá để giảm bớt khó khăn" - ông Đỗ Hoài Nam cho hay.
Ngày 28/3 tới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ chủ trì cuộc họp trao đổi với các bộ, cơ quan quản lý công trình chuyên ngành, UBND các địa phương, Hiệp hội Tư vấn xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, thi công xây dựng về khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng đối với những dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc.