Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vật tư nông nghiệp “leo thang”, nông dân Hà Nội nhanh nhạy ứng phó

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do tác động của đại dịch Covid-19, giá các loại vật tư đầu vào liên tục “leo thang” kéo chi phí sản xuất tăng cao, thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Chủ động ứng phó và thích ứng linh hoạt, nông dân Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất.

Tăng liên kết, giảm chi phí trung gian

Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón tăng 40 - 50%; giống cây trồng tăng 10 - 15%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 10 - 20%; thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng 15 - 20%, thuốc thú y tăng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá bán một số nông sản lại giảm mạnh. Đơn cử như, giá cá thương phẩm giảm 10 - 15%; giá lợn hơi giảm từ 30 - 50%... đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân.  

 Chăn nuôi gà đẻ trứng tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Ánh Ngọc

Trước tình hình giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng đang làm giảm đáng kể lợi nhuận của người sản xuất, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã đã vận dụng tối đa việc tiết giảm chi phí đầu vào bằng cách liên kết với DN mua trực tiếp sản phẩm, vật tư nông nghiệp từ nhà máy hay tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ…

Anh Lê Văn Trẻo (ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) cho biết, gia đình có thâm niêm nuôi cá gần 20 năm nhưng chưa khi nào gặp khó khăn như năm nay. Mặc dù đầu ra sản phẩm ổn định nhưng giá cám công nghiệp cho cá tăng mạnh từ đầu năm khiến lợi nhuận sụt giảm đáng kể.

“Tôi luôn tìm cách thích ứng với tình hình thị trường. Hằng ngày, cùng với thức ăn tinh, tôi dùng cỏ và thóc ủ mầm làm thức ăn cho cá. Nhờ vậy đã giảm được 4 bao cám công nghiệp, tương đương với tiết kiệm được gần 900.000 đồng/ngày. Với 10ha mặt nước, chia làm 2 ao nuôi luân phiên, dự kiến năm nay, gia đình tôi thu được 100 tấn cá các loại, ước tính cho thu lãi 200 triệu đồng” - anh ê Văn Trẻo chia sẻ.  

Còn hộ anh Dương Trịnh Quyết, chủ trang trại nuôi 6.000 gà đẻ ở cụm 5, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ cho hay, để tiết giảm chi phí, anh đặt hàng DN sản xuất thức ăn theo tiêu chuẩn trang trại, nhà máy cung cấp trực tiếp sản phẩm đến trang trại, không tốn chi phí trung gian. Do sử dụng thức ăn theo khuyến cáo nên phát huy công dụng với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi.

Bên cạnh đó, anh Quyết còn xử lý chất thải từ chuồng trại bằng đệm lót sinh học, tạo nguồn phân bón hữu cơ cung cấp cho một số trang trại trồng cây ăn quả trên địa bàn. Nhờ đó, gia đình có thêm khoản thu tái đầu tư sản xuất.

Hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị

Nhằm thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị các huyện, thị xã tuyên truyền, khuyến cáo nông dân mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh; sản xuất các vùng tập trung có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từ đó, giảm chi phí đầu vào, tạo nguồn cung nông sản sạch, an toàn phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Đến nay, hầu hết các huyện đã và đang triển khai các chính sách khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đơn cử như huyện Ứng Hòa, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân 2021 - 2022, huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ các hợp tác xã 50% chi phí mua giống rau, ngô, khoai tây; hỗ trợ 30 - 50% chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với mô hình cơ giới hóa, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhận định rõ giá vật tư, nguyên liệu biến động đang làm giảm đáng kể lợi nhuận của người nông dân và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Sở đã nghiên cứu và bắt tay vào thực hiện nhiều giải pháp. Trước tiên là đẩy mạnh triển khai các mô hình khuyến nông sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành và hướng dẫn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân liên kết tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp trực tiếp tại các nhà máy sản xuất.

Song song với đó, ngành nông nghiệp cũng tăng cường hướng dẫn, phổ biến cho nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học; tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ, hạn chế dùng phân bón hóa học; ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống tưới nước và phân bón nhỏ giọt tự động trên các loại cây trồng, mô hình công nghệ cao. Đặc biệt chú trọng hướng dẫn các trang trại chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có (cám, ngô, bã đậu, rau xanh, phụ phẩm nông nghiệp…) thay thế một phần nguồn thức ăn hỗn hợp phải mua từ thị trường, đồng thời chủ động liên kết với các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi để mua cám tận gốc.

Cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp đang phối hợp với các huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý thị trường nguyên liệu, vật tư nông nghiệp; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Sở cũng đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ các DN đầu tư mở rộng phát triển ngành sản xuất vật tư, nguyên liệu phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp để có thể chủ động trong mọi tình huống.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ