Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu ghi nhận tuần tăng thêm 4-5%

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung thiếu hụt đẩy giá dầu ghi nhận tuần tiếp tục tăng thêm 4-5% với cả dầu Brent và WTI.

Chốt phiên giao dịch của tuần, giá dầu Brent đứng ở mức 112,4 USD/thùng, giá dầu thô WTI là 109,8 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng gần 4% còn giá dầu WTI đã tăng khoảng 5%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, do lo ngại triển vọng nhu cầu giảm cùng với khả năng tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bắt đầu tuần giao dịch, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đã trượt dốc hơn 2 USD khi thị trường tiếp nhận thông tin rằng Ủy ban châu Âu (EC) có thể “miễn” cho Hungary và Slovakia khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga. Đồng thời, EC chuẩn bị hoàn tất gói trừng phạt tiếp theo đối với Nga.

Tuy nhiên, giá dầu sau đó đã nhanh chóng đảo chiều, dần ổn định do lo ngại rằng nguồn cung có thể bị hạn chế bởi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô Nga. Nhưng các biện pháp phong tỏa kéo dài để kiềm chế Covid-19 của Trung Quốc đã đẩy giá dầu lao dốc hơn 2%. Giá dầu Brent đã rớt xuống 105 USD/thùng và WTI còn 102,41 USD/thùng.

Theo Gary Cunningham, Giám đốc tại Tradition Energy, có những lo ngại thực sự về việc liệu nhu cầu của Trung Quốc, một nhân tố rất lớn trong nhu cầu toàn cầu, có tiếp tục tăng mạnh vào năm 2022 hay không.

Nhận xét của Phil Flynn, nhà phân tích tại tập đoàn Price Futures, giá có thể sẽ tiếp tục biến động khi các nhà giao dịch cân nhắc tác động của việc phong tỏa ở Trung Quốc với các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây và cuộc họp của (Fed).

Trong phiên giao dịch ngày 4/5, giá “vàng đen” “bỏ túi” tới hơn 5 USD khi EU đưa ra kế hoạch loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga. Giá dầu thô Brent giao sau đã vượt 110 USD/thùng, dầu thô WTI chạm 107,81 USD/thùng.

Với lệnh cấm nhập khẩu dầu từng phần này, Phil Flynn cho biết, rất nhiều câu hỏi được đặt ra rằng liệu châu Âu sẽ làm thế nào để bù đắp cho sự thiếu hụt này.

Nỗi lo thiếu hụt nguồn cung tiếp tục đeo đẳng giá dầu, đẩy giá mặt hàng này leo dốc vào những phiên giao dịch cuối cùng của tuần.

Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu của Rystad Energy cho biết, thị trường dầu vẫn chưa được định giá đầy đủ trước khả năng dầu Nga bị EU cấm vận, vì vậy giá dầu thô sẽ cao hơn trong những tháng mùa hè nếu được thông qua.

Bất chấp lời kêu gọi của các quốc gia phương Tây về việc tăng thêm sản lượng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) vẫn "kiên trì" với kế hoạch nâng mục tiêu sản lượng tháng 6 lên 432.000 thùng/ngày trong lần nhóm họp hôm 5/5.

Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng nhu cầu cao hơn từ Mỹ vào mùa thu này khi Washington công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng dầu thô để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Tuy nhiên, những dấu hiệu của một nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu gây ra lo ngại về nhu cầu sẽ hạn chế mức tăng của giá dầu.