Cuộc khủng hoảng dầu gần nhất năm 2014 mới diễn ra được khoảng hơn 100 ngày cùng với mức biến động 50%. Các chuyên gia tại buổi tọa đàm sáng 6/2 với chủ đề: "Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam" đã phân tích rõ xu hướng của lần biến động này cùng với những tác động tới nền kinh tế.
Chưa thể hồi phục trong năm nay
Tiến sĩ Lê Việt Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và quản lý dầu khí, Viện dầu khí Việt Nam dự báo. Theo ông Trung, ngoài yếu tố xung đột chính trị, đồng USD, giá dầu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi yếu tố cung cầu. Năm 2014, nguồn cung đã vượt cầu tới 1,5 triệu thùng/ngày điều này dẫn tới giá dầu có thể giảm sâu hơn. Nhiều nền kinh tế chưa hồi phục nên triển vọng về cầu không nhiều trong khi công nghệ dầu đá phiến của Mỹ sẽ thay đổi cuộc chơi về dầu khí thế giới trong thời gian tới. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và quản lý dầu khí nhấn mạnh tới xu hướng sử dụng các công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, điện khí hay năng lượng mặt trời, hay các chính sách tiết kiệm năng lượng của các quốc gia (sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng)… có thể làm giảm cầu về dầu thế giới. "Trong ngắn hạn, giá dầu khó có thể vượt qua mức 60 USD/thùng" - ông Trung nói.
Giá dầu giảm cũng tác động trái chiều với nhiều quốc gia. Các nước nhập khẩu đang hưởng lợi từ việc này. Khi mức nhiên liệu giảm dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Còn đối với các nước xuất khẩu dầu mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Đặc biệt với Nga, mức thâm hụt NS của nước này đã lên tới 50% trong năm 2014. Ông Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia phân tích và đưa ra 3 kịch bản về kinh tế VN khi giá dầu thô trượt xuống mức 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng. Ở các ngưỡng này, NS có thể giảm, bù lại theo ông Khôi, tăng trưởng kinh tế sẽ tăng thêm 0,78 điểm phần trăm; 091% và 1,04% nếu các chính sách điều hành vĩ mô, chính sách tiền tệ và tài khóa chủ động thực hiện các giải pháp tài chính để kịp thời ứng phó với những biến động. Cụ thể như điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để đảm bảo hiệu quả giữa chỉ tiêu tăng GDP, thu NSNN, đảm bảo an ninh năng lượng và hiệu quả cho DN.
Phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa
Là cơ quan thuộc Bộ Tài Chính, ông Nguyễn Văn Tuyến - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Tài chính nhận định, không chắc giá dầu thế giới sẽ tăng trong vòng một vài năm tới đây. Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế và tiền đóng thuế có thể bù đắp cho khoản hụt thu này. "Nếu trước đây thu NSNN từ dầu thô chiếm 20 - 25% tổng thu NS quốc gia thì nay chỉ chiếm từ 10 - 12%. Hiện 70% tổng thu NS từ thuế nội địa và sản xuất trong nước", ông Tuyến phân tích.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, giá thế giới giảm có lợi cho tăng thuế. Trước kia có lúc thuế xuống tới 2%, hiện nay, thuế nhập khẩu ở mức cao sẽ bù đắp cho phần xuất khẩu dầu thô bị thâm hụt. Giá dầu thế giới giảm sâu, cho dù tăng thuế trong nước lên thì cũng không tác động nhiều tới giá trong nước. Chưa kể, hiện giá xăng tại Việt Nam đã thấp hơn một số quốc gia khu vực sẽ tạo nhiều bất lợi cho việc quản lý xăng dầu.
Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia dự báo lạm phát trong năm 2015 là vô cùng thấp, khoảng 2 -5%, do đó giá cả khó tăng trong năm cũng là dư địa để điều hành cho chính sách tiền tệ, thực hiện giá các dịch vụ thiết yếu theo cơ chế thị trường và các chính sách vĩ mô khác. Tiến sỹ Lưu Bích Hồ nhân mạnh, giá dầu thế giới giảm, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự tự chủ hơn, ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và chi tiêu cũng dần dần hướng tới tiết kiệm. Đây cũng là cơ hội hiếm có để tái cơ cấu nền kinh tế, giảm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng. Vị chuyên gia cũng nhắc tới vấn đề cải thiện độ trễ của giá xăng dầu tác động đến hàng hóa rất chậm. Bộ GTVT, Bộ Tài chính lập đoàn kiểm tra cước vận tải, giá hàng hóa là hơi chậm, thậm chí cũng chưa phạt được ai.
Khách hàng mua xăng tại đường Láng. Ảnh: Quỳnh Linh
|