Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 1/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2023 ghi nhận đà tăng 1,87 USD lên mức 83,5 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 tăng 1 USD lên mức 86,86 USD/thùng.
Các chuyên gia nhận định, khép lại phiên giao dịch ngày 31/8, giá dầu tiếp đà tăng với kỳ vọng nhóm OPEC+, dẫn dầu là Saudi Arabia, sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ cho đến cuối năm nay.
Chủ tịch của Lipow Oil Associates Andrew Lipow cho biết, thị trường dầu thô đang phản ứng với việc OPEC gia hạn cắt giảm sản lượng có thể kéo dài đến cuối năm nay.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, cả hai mặt hàng dầu chuẩn ghi nhận mức tăng tháng thứ ba liên tiếp do nguồn cung dầu thô thắt chặt ở Mỹ. Các nhà phân tích kỳ vọng Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ ngày cho đến tháng 10, bổ sung vào mức cắt giảm do OPEC+ đưa ra.
Theo Ole Hansen, nhà phân tích của Ngân hàng Saxo, với việc giá dầu Brent vẫn dậm chân ở mức trên dưới 85 USD/thùng, triển vọng dầu của Saudi Arabia quay trở lại thị trường có vẻ mong manh và thế giới sẽ bị ảnh hưởng vì mức tồn kho của các sản phẩm dầu thô tiếp tục giảm.
Về phía nguồn cung, dữ liệu mới nhất của Mỹ cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 1,6% trong tháng 6 lên 12,844 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ hồi tháng 2 năm 2020, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ. Tuy nhiên, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến 10,6 triệu thùng trong tuần trước, do xuất khẩu và nhu cầu lọc dầu tăng mạnh.
Bộ Thương mại Mỹ thông tin rằng chi tiêu tiêu dùng của quốc gia này đã tăng 0,8% so với tháng trước và chỉ số S&P 500 tăng sau khi lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt, báo hiệu rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tạm dừng việc thắt chặt tiền tệ.
Cựu Chủ tịch của Fed Boston Eric Rosengren, ngày 30/8 cho biết, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất nếu thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế tiếp tục chậm lại với tốc độ dần dần như hiện nay.
Một cuộc khảo sát chính thức tại các nhà máy cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc lại sụt giảm trong tháng 8, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu trầm trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chính phủ Mỹ ngày 30/8 đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong quý II xuống 2,1%, từ mức 2,4% được báo cáo vào tháng trước, và dữ liệu được công bố cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương tư nhân đã chậm lại đáng kể trong tháng 8 vừa qua.