Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/2, giá dầu giảm hơn 2%. Trong đó, dầu Brent giảm 1,82 USD, tương đương 2,36%, xuống mức 75,18 USD/thùng. Còn WTI giảm 1,95 USD, tương đương 2,66%, xuống mức 71,37 USD/thùng.
Sự lao dốc bất ngờ của giá dầu đã chấm dứt chuỗi tăng 3 ngày của cả dầu Brent và WTI với mức tăng lần lượt 3,6% và 3,7%.
Theo Reuters, giá dầu đã giảm sau các cuộc điện đàm nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group Phil Flynn nhận xét, việc ông Trump tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình đã giúp giảm bớt rủi ro cho giá dầu hiện nay.
Trong bài đăng trên nền tảng mạng xã hội của mình, ông Trump cho biết ông và người đồng cấp Nga Putin đã “đồng ý để nhóm của chúng tôi bắt đầu đàm phán ngay lập tức, và chúng tôi sẽ bắt đầu bằng cách gọi điện cho Tổng thống Zelenskiy của Ukraine để thông báo về cuộc trò chuyện, đây là việc mà tôi sẽ thực hiện ngay bây giờ”.
Văn phòng của ông Zelenskiy cho biết, cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa ông Trump và ông Zelenskiy diễn ra khoảng một giờ đồng hồ.
Các nhà đầu tư cũng cố gắng đánh giá động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc cắt giảm lãi suất sau những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 11/2 và sau khi dữ liệu ngày 12/2 cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1 tăng cao hơn dự kiến.
Theo nhà phân tích Flynn, sự kết hợp giữa lạm phát cao hơn và khả năng hòa bình ở Ukraine đang gây ra một chút bán tháo trên thị trường.
Ngày 11/2, Chủ tịch Fed cho biết nền kinh tế đang trong tình trạng tốt và Fed không vội vàng cắt giảm lãi suất thêm nữa, nhưng đã sẵn sàng thực hiện nếu lạm phát giảm hoặc thị trường việc làm suy yếu.
Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 đã tăng 0,5%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2023, sau khi tăng 0,4% vào tháng 12. Dữ liệu này cho thấy lạm phát của Mỹ tăng mạnh đáng ngạc nhiên trong tháng 1, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế đang nóng lên và thuế quan sắp tới có thể làm giảm hy vọng cắt giảm lãi suất.
Nhà phân tích Flynn nhận xét, lạm phát tăng mạnh làm giảm khả năng Fed cắt giảm lãi suất từ tháng 9 đến tháng 12.
Trong khi đó, tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục tăng. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào ngày 7/2, tồn kho dầu tăng 4,1 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 3 triệu thùng.
Theo báo cáo hằng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhu cầu dầu toàn cầu vẫn sẽ tăng 1,45 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,43 triệu thùng/ngày vào năm 2026, không đổi so với báo cáo hồi tháng trước.
Tại thị trường trong nước, theo chu kỳ điều hành của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá bán lẻ xăng dầu sẽ được điều chỉnh trong chiều nay. Mặc dù giá xăng dầu thế giới tuần trước giảm nhưng bật tăng ở những phiên giao dịch đầu tuần và hạ nhiệt ở phiên giao dịch ngày 12/2 nên giá xăng dầu trong nước có thể chấm dứt chuỗi giảm với mức tăng khoảng 100 - 400 đồng/lít.
Trong lần điều chỉnh giá gần đây nhất, giá xăng RON 95-III giảm 74 đồng/lít, dầu diesel giảm 192 đồng/lít, dầu hỏa giảm 25 đồng/lít, dầu mazut giảm 148 đồng/kg. Duy chỉ có giá xăng E5 RON 92 tăng 51 đồng/lít.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 20.442 đồng/lít; Xăng RON 95-III không quá 20.928 đồng/lít; Dầu diesel không quá 19.054 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 19.414 đồng/lít; Dầu mazut không quá 17.354 đồng/lít.