Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 14/6: xuống dốc

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái ngược với phiên giao dịch đầy biến động ngày 13/6, hôm nay giá xăng dầu thế giới từ từ lao dốc.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 14/6 (giờ Việt Nam), cả dầu Brent và WTI đều giảm với mức giảm lần lượt là 0,66% và 1,02%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầy biến động ngày 13/6, giá dầu tăng nhẹ. Đà leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi dự báo của OPEC về tăng trưởng nhu cầu và dữ liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ đang nới lỏng và lạm phát chậm lại làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất bất chấp những bình luận gần đây từ các quan chức Fed.

Giá dầu Brent tăng 15 cent, tương đương 0,2%, lên mức 82,75 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 12 cent, tương đương 0,2%, lên mức 78,62 USD/thùng.

Theo Reuters, Tổng thư ký của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Hathaim Al Ghais ngày 13/6 cho biết, OPEC đã dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng lên 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045, thậm chí có thể cao hơn. Vị quan chức này đã chỉ trích báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) với dự đoán mức tiêu thụ dầu sẽ đạt đỉnh (105,6 triệu thùng/ngày) vào năm 2029.

Trong bài viết trên tạp chí Energy Aspects, Tổng thư ký OPEC gọi báo cáo của IEA là “bình luận nguy hiểm”, đặc biệt đối với người tiêu dùng và cho rằng điều đó sẽ chỉ dẫn đến biến động năng lượng ở quy mô chưa từng có.

Cũng trong ngày 13/6, Cục Thống kê lao động của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất cho nhu cầu trong tháng 5 đã giảm 0,2% so với tháng 4.

Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu hằng tuần đã vượt quá ước tính và đạt mức cao nhất trong 10 tháng.

Trước đó, ngày 12/6, Fed đã giữ nguyên lãi suất và lùi thời điểm bắt đầu nới lỏng chính sách dự kiến đến cuối tháng 12. Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Ngân hàng Trung ương Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lạm phát đã giảm mà không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Đánh giá về nhận xét này, Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates cho biết, bình luận này ngụ ý rằng không có khung thời gian chắc chắn cho việc giảm lãi suất.

Ngày mai, các nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý sang chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan công bố để biết các dấu hiệu về sức mạnh hay điểm yếu của nền kinh tế Mỹ.

Các nhà kinh doanh dầu mỏ cũng đang theo dõi các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn ở Gaza vốn có thể làm giảm bớt lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực.