Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 14/2), giá dầu giảm nhẹ trước triển vọng thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine đạt được có thể làm giảm bớt tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu bằng cách chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Moscow. Mức giảm đã bị hạn chế do Mỹ hoãn áp dụng thuế quan đáp trả ngay lập tức.
![Ảnh minh họa.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2024/11/266d55feee-f71c-4ba2-a99e-a1e35bbc3106.jpg)
Giá dầu Brent giảm 28 cent, tương đương 0,37%, xuống mức 74,74 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 55 cent, tương đương 0,77%, xuống mức 70,74 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,11% trong khi giá dầu WTI giảm khoảng 0,37%.
Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các quan chức Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bày tỏ mong muốn hòa bình trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với ông Trump.
Việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moscow trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình sẽ thúc đẩy nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu.
Trong báo cáo thị trường dầu mỏ mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, xuất khẩu dầu của Nga có thể được duy trì nếu tìm được giải pháp cho gói trừng phạt mới nhất của Mỹ.
Cũng trong tuần, ông Trump đã lệnh cho các quan chức thương mại và kinh tế nghiên cứu các mức thuế quan đối ứng đối với các quốc gia áp dụng thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ và gửi lại các khuyến nghị trước ngày 1/4.
Hạn chế đà giảm của giá dầu, theo chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của IG, đó là do diễn biến tích cực trên mặt trận thương mại sau khi Mỹ hoãn áp thuế quan. Điều này đã mở đường cho giá dầu phục hồi khi môi trường rủi ro ấm lên cùng với triển vọng đạt được sự đồng thuận thương mại.
Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Mỹ có thể gây sức ép kinh tế tối đa lên Iran để hạn chế tổn thất.
Theo Reuters, ông Trump đã đẩy kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran xuống gần mức 0 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình sau khi áp đặt lại lệnh trừng phạt.
Liên quan đến nhu cầu dầu toàn cầu, các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cho biết nhu cầu dầu đã tăng vọt lên 103,4 triệu thùng/ngày, tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với năm trước.
Theo ngân hàng, nhu cầu ban đầu về nhiên liệu di chuyển và sưởi ấm khá chậm nhưng đã tăng trong tuần thứ 2 của tháng 2 cho thấy khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và nhu cầu dự kiến sẽ sớm thu hẹp.
Trong khi đó, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes báo cáo, các công ty năng lượng của Mỹ đã bổ sung thêm giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên tuần thứ 3 liên tiếp. Số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã tăng 2 giàn lên 588 giàn.