Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 16/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 1,6 USD, tương đương 2%, xuống mức 76,66 USD/thùng. Còn dầu Brent giảm 1,29 USD, tương đương 1,6%, xuống mức 81,18 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng lớn hơn dự kiến, sản lượng kỷ lục tại nhà sản xuất lớn nhất thế giới, lo ngại về nhu cầu ở châu Á là những yếu tố đẩy giá dầu lao dốc hơn 1,5% ở cuối phiên giao dịch ngày 15/11.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10/11 đã tăng 3,6 triệu thùng lên 421,9 triệu thùng, gấp đôi so với kỳ vọng tăng 1,8 triệu thùng.
Dữ liệu từ EIA cũng cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ đang giữ ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày đạt được trong tháng 10. Ngược với sự tăng trong dự trữ dầu, dự trữ xăng của Mỹ giảm bất ngờ 1,5 triệu thùng cho thấy nhu cầu mạnh mẽ. Tồn kho dầu diesel cũng 1,4 triệu thùng, nhiều hơn dự kiến của nhiều nhà phân tích.
Saudi Arabia có thể cắt giảm thêm sản lượng để tăng giá. Trong tháng, các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga đã nhấn mạnh tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 12.
Ngày 14/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cùng với OPEC nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay, bất chấp dự báo tăng trưởng kinh tế chậm hơn tại nhiều nước lớn. Trong tháng 10, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm so với mức cao của tháng trước do nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của nước này vẫn khởi sắc khi sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ nhanh hơn và tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng. Cũng trong tháng 10, doanh số bán lẻ của Mỹ giảm lần đầu tiên sau 7 tháng. Nền kinh tế Nhật Bản suy thoái trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, đánh dấu hai quý tiêu dùng và xuất khẩu yếu.
Ngoài ra, các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các tàu chở dầu của Nga không phải là mục tiêu trong đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc thắt chặt thực hiện giới hạn giá đối với dầu thô của nước này.
Trước đó, tờ Financial Times đưa tin Đan Mạch sẽ được giao nhiệm vụ kiểm tra và có khả năng ngăn chặn các tàu chở dầu của Nga đi qua vùng biển của nước này theo kế hoạch mới của EU nhằm thực thi mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Moscow.