Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 18/5 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ tăng 83 cent, tương đương 1,1%, lên mức 80,06 USD/thùng. Còn dầu Brent tăng 71 cent, tương đương 0,9%, lên mức 83,98 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng khoảng 1% sau khi các chỉ số kinh tế từ Trung Quốc và Mỹ củng cố hy vọng nhu cầu cao hơn.
Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 1%, trong khi dầu WTI tăng 2%. Đây là lần đầu tiên sau 3 tuần, dầu Brent ghi nhận mức tăng tuần.
Reuters đưa tin, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái do tốc độ phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Bắc Kinh tăng nhanh. Điều này cho thấy nhu cầu có thể sẽ mạnh hơn trong thời gian tới. Trung Quốc cũng đã công bố các bước đi quan trọng nhằm ổn định thị trường bất động sản.
Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho Bob Yawger nhận xét, số liệu của Trung Quốc cho thấy tiềm năng tăng nhu cầu và điều này đã hỗ trợ giá dầu.
Tồn kho dầu và sản phẩm tinh chế tại các trung tâm thương mại toàn cầu giảm cũng tạo sự lạc quan về nhu cầu.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, trong tuần, số giàn khoan dầu của Mỹ tăng 1 giàn lên 497 giàn, mức tăng đầu tiên trong 4 tuần.
Tương tự, các chỉ số kinh tế gần đây của Mỹ đã làm gia tăng lạc quan về nhu cầu dầu toàn cầu. Dữ liệu ngày 15-5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (PCI) của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4, làm tăng kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất.
Chuyên gia kinh tế tại Matador Economics Tim Snyder cho biết, chỉ số giá tiêu dùng không tệ như mong đợi và điều đó mang lại cho Mỹ một chút động lực.
Về phía cung, các nhà đầu tư đều hướng sự chú ý đến hướng đi sắp tới của OPEC+ tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 1/6.
Theo Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo, với giá dầu Brent dao động dưới 90 USD/thùng - mức giá mà cả Saudi Arabia và nhiều nước khác âm thầm nhắm tới, cuộc họp của OPEC+ sắp tới có thể có kết quả là OPEC+ sẽ gia hạn các khoản cắt giảm sản lượng hiện tại.