Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 18/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2023 ở mức 74,15 USD/thùng, giảm 1,27 USD, tương đương 1,7%.
Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 giảm 1,37 USD, tương đương 1,7%, xuống mức 78,5 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm hơn 1,5% sau khi thị trường nắm bắt được số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự kiến làm dấy lên nghi ngờ về sức cầu ở nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Một phần sản lượng của Libya đã được khôi phục cũng là yếu tố gây áp lực lên giá.
Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 0,8% trong quý II so với quý trước. So với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù GDP tăng 6,3%, cao hơn so với mức 4,5% trong quý I nhưng thấp hơn so với mức dự báo 7,3% của các nhà phân tích.
Trong tháng 6, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 3,1%, chậm lại so với mức tăng 12,7% trong tháng 5, và thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng 3,2% của ác nhà phân tích. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp bất ngờ tăng nhanh lên 4,4% trong tháng 6 từ mức 3,5% trong tháng 5, nhưng nhu cầu vẫn thấp.
Trong phiên, giá dầu đã có thời điểm quay đầu tăng khi có tin rằng Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện. Tuy nhiên, khi tin được cải chính, giá dầu đã trở lại quỹ đạo giảm.
Giá dầu cũng chịu áp lực từ việc khôi phục lại sản lượng tại hai trong số ba mỏ dầu của Libya đã đóng cửa vào tuần trước. Sản lượng đã bị đình trệ bởi một cuộc biểu tình chống lại vụ bắt cóc một cựu bộ trưởng tài chính.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Nga từ các cảng phía tây sẽ giảm 100.000-200.000 thùng/ngày (bpd) trong tháng tới, một dấu hiệu cho thấy Moscow đang thực hiện tốt cam kết cắt giảm nguồn cung song song với Saudi Arabia.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng có thể giảm xuống gần 9,40 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Đây sẽ là mức giảm hằng tháng đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái.