Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 22/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2023 tăng 1,42 USD, tương đương 1,9%, lên mức 77,07 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 25/4. Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 tăng 1,43 USD, tương đương 1,8%, lên mức 81,07 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, giá dầu tăng gần 2% nhờ được hỗ trợ bởi tình trạng thiếu nguồn cung trong những tháng tới, và căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine.
Thị trường dầu đang bắt đầu định giá chậm trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung sắp xảy ra. Nguồn cung toàn cầu đang bắt đầu thắt chặt và tình trạng này có thể gia tăng đáng kể trong những tuần tới.
Nguy cơ gia tăng xung đột (giữa Nga và Ukraine) cũng có thể ảnh hưởng đến giá cả. Ngày 17/7, Nga đã tuyên bố không gia hạn thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen – thỏa thuận về hành lang biển an toàn do Liên Hợp quốc làm trung gian.
Sau tuyên bố, Nga đã tiến hành bắt giữ các tàu ở Biển Đen, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Việc đóng cửa hành lang ngũ cốc này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp ethanol và nhiên liệu sinh học được pha trộn với các sản phẩm dầu vào thời điểm thị trường ngũ cốc toàn cầu đang thắt chặt, điều này sẽ dẫn đến việc các nhà máy lọc dầu sử dụng nhiều dầu thô hơn.
Thêm vào đó, việc bắt giữ các tàu cũng có thể gây thêm rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và các hàng hóa khác trong khu vực. Trong khi đó, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tuần trước, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm trong bối cảnh xuất khẩu dầu thô tăng vọt. EIA dự báo sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ có khả năng giảm lần đầu tiên trong tháng 8, làm gia tăng lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Ngoài ra, trong tuần, các công ty năng lượng của Mỹ đã giảm 7 giàn khoan dầu - mức cắt giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 6. Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ - một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai - hiện đang ở mức 530, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.