Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 23/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 83,41 USD/thùng, giảm 0,08 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 22/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2022 tăng 0,59 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 90,43 USD/thùng, giảm 0,03 USD/thùng trong phiên, giảm tới 0,88 USD so với cùng thời điểm ngày 22/9.
Nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường dấy lên lo ngại về tình trạng thắt chặt, thậm chí thiếu hụt nguồn cung khi mùa Đông đến gần, giúp giá dầu ngày 23/9 có xu hướng tăng trở lại.
Do nhu cầu thị trường mạnh hơn, áp lực nguồn cung được cho sẽ còn lớn hơn khi một số nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc xem xét tăng cường hoạt động trong tháng 10, và khả năng nước này có thể thay đổi chính sách xuất khẩu nhiên liệu.
Thời điểm các lệnh trừng phạt, cấm vận dầu thô Nga của các nước EU, G7 càng làm gia tăng các lo ngại về nguy cơ về tình trạng thiếu hụt năng lượng tại khu vực châu Âu.
Nhiều nhà phân tích lo ngại sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây trong những ngày gần đây, có thể kéo theo những động thái tiêu cực về việc cung cấp năng lượng từ Nga sang các nước châu Âu.
Tuy nhiên, giá dầu ngày 23/9 cũng chịu áp lực không nhỏ bởi quyết định tăng lãi suất của một số ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, và đồng USD mạnh hơn.
Bên cạnh đó, thông tin tồn kho dầu thô của Mỹ tăng trong tuần kết thúc ngày 16/9 cũng góp phần đáng kể ghìm chân giá dầu thô đi lên.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu xăng trong 4 tuần qua của nước này đã giảm xuống 8,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tồn kho dầu thô thương mại của nước này cũng tăng 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/9.