Giá xăng dầu hôm nay 24/7: Dầu thô có tuần giảm mạnh

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu tiêu thụ giảm trước lo ngại suy thoái kinh tế, trong khi nguồn cung được cải thiện… là nhân tố chính khiến giá dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.

Chốt tuần giao dịch, ngày 24/7, trên sàn New York Mercantile Exchanghe ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 95,09 USD/thùng; giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 103,63 USD/thùng.

Các chuyên gia phân tích, ngay phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô đã có xu hướng giảm mạnh khi mà các dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này sụt giảm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018. Sản lượng của các nhà máy lọc dầu tại nước này đã giảm gần 10% so với 1 năm trước, riêng tháng 6, sản lượng đã giảm tới 6%.

Các báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa cảnh báo về nhu cầu dầu toàn cầu đang giảm, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn.

Còn theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu đã giảm xuống còn 18,7 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng Euro cũng được dự báo tiếp tục giảm sau khi đã bị hạ xuống mức 2,7% hồi tháng 5/2022, giảm mạnh so với dự báo 4% được đưa ra hồi tháng 2/2022.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô cũng ngày một lớn hơn bởi tình hình “dịch chồng dịch” đang diễn ra tại nhiều quốc gia, lạm phát leo thang… đe doạ nghiêm trọng nỗ lực phục hồi kinh tế.

Nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc được ghi nhận giảm mạnh trong tháng 6/2022 do lo ngại về dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế đó, giới phân tích vẫn chỉ ra nhiều điểm kỳ vọng. Đó là lĩnh vực khai thác, chế tạo tăng 0,9% so với quý II/2021; doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3,1%; sản xuất công nghiệp phục hồi 3,9% so với cùng kỳ…

Giàn khoan trên biển của Petrovietnam
Giàn khoan trên biển của Petrovietnam

Lượng dầu Nga bán sang Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm đáng kể, tới 30% so với mức đỉnh được ghi nhận kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga đến châu Âu cũng buộc nhiều nước trong khu vực tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, trong đó có dầu thô, đặc biệt khi thời tiết ở nhiều nước như Anh, Đức được ghi nhận nắng nóng kỷ lục.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 20/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 100,35 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 107,25 USD/thùng. Nhưng đà tăng của giá dầu cũng không duy trì được lâu khi một loạt các vấn đề về lạm phát, tăng trưởng và dịch bệnh… tiếp tục đè nặng lên bức tranh kinh tế toàn cầu, đe doạ lạm sụt giảm nghiêm trọng các nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô.

Tại Mỹ, bất chấp vào mùa cao điểm tiêu thụ, nhu cầu xăng cũng được ghi nhận giảm gần 8% so với cùng kỳ 2021 do giá xăng cao kỷ lục ở nước này. Theo dữ liệu từ Reuters, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng tới 3,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa con số dự báo được đưa ra là chỉ tăng 71.000 thùng.

Nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 1 cũng được cho là sẽ sớm khởi động trở lại.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng được ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 cách đây 2 năm. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng kinh tế quý II của nước này ở mức 0,4%, thấp hơn dự báo 1,2% của các nhà kinh tế và là mức yếu nhất kể từ năm 2020.

Ngày 21/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương xuống còn 4,6%, giảm so với mức dự báo 5,2% được đưa ra hồi tháng 4/2022.

Giới đầu tư cũng lo ngại làn sóng tăng lãi suất đang được các ngân hàng trung ương theo đuổi nhằm kiềm chế lạm phát sẽ tạo áp lực lớn hơn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi nhiều nền kinh tế lớn còn đang phải đối diện với làn sóng Covid-19 mới.